Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinasun đầu tư ứng dụng công nghệ tích cực vào dịch vụ vận tải hành khách

(DNVN) - Đó là phát biểu của ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam – Vinasun tại một cuộc hội thảo tổ chức hôm 30/8.

GIL công bố trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 37% / Lãi ròng Petrolimex tăng thêm 15 tỷ sau kiểm toán

Tại Hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe tại Hà Nội, ông Trương Đình Quý cho biết: “Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hệ thống điều phối của Vinasun, Vinasun đã và đang nghiên cứu áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại của lĩnh vực CNTT như trí tuệ nhân tạo, máy học (Machine Learning, Deep Learning…), phân tích thông minh (Business Intelligence) v.v… nhằm đem đến sự thông minh và hiệu quả hơn trong điều phối vận tải taxi. Đến nay hệ thống đã đảm bảo việc ghi nhận yêu cầu của khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau: khách đặt qua hệ thống tổng đài, khách vẫy trên đường, khách đặt xe tại điểm Tiếp thị, khách đặt xe qua ứng dụng trên điện thoại, hay khách đặt xe qua ứng dụng Facebook messenger v.v… Qua đó, mỗi kênh hỗ trợ đặt xe khác nhau đều phải được thiết kế và vận hành phù hợp nhằm tạo nên một hệ thống quản trị và điều phối thống nhất. Dịch vụ thông tin trước chuyến đi, thông tin trong chuyến đi, định vị, hướng dẫn lộ trình, thông báo giá, quản lý sự cố, thông báo khẩn cấp và an toàn cá nhân, giao dịch tài chính điện tử … đã được phát triển và hoàn thiện”.
Toàn cảnh cuộc hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe

Toàn cảnh cuộc hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe

Cũng chia sẻ về nội dung này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng và hoàn thiện mình theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ đi kèm. Hành khách thời nay sẵn sàng bỏ tiền vé nhưng đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, thoải mái, an toàn, thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bởi thế, các doanh nghiệp vận tải phải luôn cố gắng để đáp ứng tối đa, tạo sự thoải mái, tin tưởng cho khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ứng dụng và phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng sử dụng phần mềm đặt xe là xu thế của xã hội hiện đại và là một bức tranh sinh động của nền kinh tế. Thời kỳ công nghệ 4.0 bắt buộc phải đổi mới để thích ứng và bắt kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới. Vận tải là ngành dịch vụ nên việc ứng dụng 4.0 các nước tiên tiến đã ứng dụng hàng chục năm trước nên hiện nay Việt Nam thí điểm và triển khai là đi đúng theo xu hướng. Quốc gia nào chậm trễ thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi rất lớn về phương pháp cạnh tranh. “Cuộc đua ứng dụng công nghệ đang nóng lên hơn bao giờ hết, các nhà vận tải phải coi đó là một cơ hội để ứng dụng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị phần”. Những nhà xe lớn như: Inter Bus Lines, Mai Linh, Sao Việt... là những đơn vị đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành và đã thành công”, ông Mạnh nói.
Chia sẻ tại cuộc họp góp ý một số nội dung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận: “Tôi có suy nghĩ tại sao việc sửa Nghị định 86 thời điểm này lại có nhiều ý kiến thế? Tôi cho rằng đây là tất yếu khách quan của cuộc sống. Đây là thời kì quá độ đang thách thức ta về việc quản lý nhà nước, để tìm ra hướng đi mới, chấp nhận việc cần thiết ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh”.
Ngành GTVT đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Gần nhất, mô hình Uber, Grab đã cho thấy hiện nay việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ. Bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải. Sự xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng nnternet như taxi Uber, Grab; cung cấp các dịch vụ công qua Internet như cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới… đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.
Cách mạng công nghệ 4.0 là tự động hóa toàn diện với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ làm thay đổi các phương thức và lực lượng sản xuất vận tải. Chỉ vài năm trước, khó ai tin được vận tải hành khách công cộng Uber, Grab lại phục vụ được con người thay vì “vẫy” taxi. Rồi những tuyến đường, cây cầu, một công trình giao thông…hiện nay đều có thể giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế, tiến độ thi công cho đến khi vận hành, bảo trì.
Cùng với các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn diện đang diễn ra tại các lĩnh vực của ngành để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển giao thông vận tải này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0. Thực tế này sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, mà trọng tâm là “mạch máu giao thông”.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm