Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc: Chất lượng, thương hiệu là hàng đầu

DNVN - Để có thể tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu tai thị trường này.

Các nhà nhập khẩu Singapore để mắt đặc biệt tới hơn 18 loại nông sản ở Lâm Đồng / Lâm Đồng: Giới thiệu gì để "hút" nhà đầu tư Hàn Quốc?

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Những điều doanh nghiệp cần biết do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM, ngày 28/3.

Thị trường nhiều tiềm năng

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ có quy mô và sức mua lớn nhờ kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao. Cụ thể, theo thống kê của Bộ NN&PTNT Trung Quốc, năm 2018, nước này nhập khẩu nông sản lên tới hơn 137 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu số lượng lớn như gạo, sắn lát, thịt heo, thịt bò, thủy sản, rau củ quả...

Riêng ở mặt hàng thủy sản, thời gian qua, Trung Quốc nổi lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, đang tăng nhu cầu về thủy sản nhập khẩu, ưa chuộng các sản phẩm thủy sản nước ngoài và sản phẩm đánh bắt tự nhiên.

Thủy sản Việt Nam giàu tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. (Ảnh TL)

Thủy sản Việt Nam giàu tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (Ảnh TL)

Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông thủy sản của Trung Quốc rất lớn. Điều này đã tạo ra lực hút và sự quan tâm những doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản trị giá hơn 1,2 tỷ USD vào Trung Quốc. Trước đó, từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, đồng thời tăng trưởng hàng năm ổn định hơn các thị trường khác.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang có sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc, hiện đang có nhiều điều kiện để nông sản, thủy sản Việt Nam tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đó là, cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đều mong muốn tăng xuất - nhập khẩu chính ngạch, giảm tiểu ngạch để có thể kiểm soát, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chất lượng, thương hiệu là hàng đầu

 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều năm qua, trao đổi thương mại Việt - Trung chủ yếu thực hiện qua đường tiểu ngạch. Hình thức thương mại này mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về mặt thanh toán cũng như khó kiểm soát về chất lượng, số lượng hàng hóa.

Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn chưa chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối chính thức của nước ngày.

Thời gian gần đây, Trung Quốc có chính sách siết chặt an toàn thực phẩm và cương quyết yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu chính ngạch. Mặt khác, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có sản phẩm nông sản cùng loại để tiêu thụ tại thị trường này.

"Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể như lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc về bao bì đóng, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm", ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.

Nhu cầu về mặt hàng trái cây, rau quả của Trung Quốc hiện rất lớn, tuy nhiên chất lượng phải là yếu tố đầu tiên cần được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng (Ảnh: TL)

Nhu cầu về nông sản của Trung Quốc hiện rất lớn, tuy nhiên chất lượng phải là yếu tố đầu tiên cần được các doanh nghiệp Việt coi trọng (Ảnh: TL)

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm có uy tín tại Trung Quốc để tiếp cận các đối tác, khách hàng lớn từ nước này. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt thương mại điện tử để đa dạng kênh xuất khẩu, phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Shi Xin Biao - Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.Ltd cho hay: Năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác cũng như chế định ra các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông sản của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Nguyên do, rất nhiều trái cây, rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch nên bao bì không được chú ý.

“Nhu cầu về mặt hàng trái cây, rau quả của Trung Quốc hiện rất lớn, tuy nhiên chất lượng phải là yếu tố đầu tiên cần được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng khi muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng này”, ông Shi Xin Biao nói.

Ông Shi Xin Biao nhận định, trong 10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu trái cây, rau quả của Trung Quốc sẽ có xu hướng chậm lại, yêu cầu về chất lượng tăng lên. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp các sản phẩm ổn định, chất lượng tốt, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đông thời doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu cụ thể nhu cầu của khách hàng, bởi mỗi vùng Trung Quốc sẽ có thói quen tiêu dùng khác nhau.

 

Ông Phạm Ngọc Thức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón FUSA cho hay: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như thiếu thông tin thị trường, không cập nhật được các quy định mới của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu. Những khó khăn này của doanh nghiệp hiện đã được Bộ Công Thương tháo gỡ rất nhiều.

Tuy nhiên, để thuận lợi trong các giao dịch với nhà nhập khẩu Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước nên uỷ quyền cho 1 đơn vị trung gian; xin thông tin cá nhân và có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo; tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần gắn kết hơn nữa để tiếp thị sâu hơn, có nguồn cung đủ lớn và không cạnh tranh lẫn nhau.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo