Hỗ trợ doanh nghiệp

Zalo Shop chưa đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương

DNVN - Không chỉ bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vì cung cấp mạng xã hội “chui”, siêu ứng dụng Zalo còn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Zalo Shop khi chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương.

VNG xin lỗi, hứa bồi thường cho người dùng Zalo, Báo mới và khách hàng / Ra mắt dịch vụ Talenty - Nền tảng tuyển dụng tham chiếu mạng xã hội

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ứng dụng Zalo là ứng dụng di động cho phép các thương nhận, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Do vậy, ứng dụng Zalo là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại khoản 4, điều 3 Thông tư 59/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương. Thông tư 59 quy định đơn vị xây dựng, quản lý, vận hàng ứng dụng Zalo có trách nhiệm đăng ký hoạt động của ứng dụng này với Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 59/TT-BCT.
“Tuy nhiên, ứng dụng Zalo chưa tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.
Zalo Shop cung cấp hoạt động thương mại điện tử khi chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Zalo Shop cung cấp hoạt động thương mại điện tử khi chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Trước đó, như DNVN đã đưa tin về việc Zalo cung cấp dịch vụ mạng xã hội “chui” khi chưa có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, vào cuối tháng 6/2019, Công ty cổ phần VNG (đơn vị đang vận hành siêu ứng dụng Zalo) đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi thiết lập, cung cấp dịch vụ mạng xã hội Zalo nhưng không có Giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Đây là lần thứ 2 VNG bị xử phạt về hành vi phạm tương tự, trước đó vào năm 2018, VNG từng bị xử phạt vì hành vi cung cấp mạng xã hội Zalo không phép và đã tiến hành nộp phạt.
Cùng với việc xử phạt, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng yêu cầu Zalo phải khẩn trương nộp hồ sơ xin thiết lập mạng xã hội theo quy định của Nhà nước, nhưng không hiểu vì sao Zalo vẫn tiếp tục hoạt động mà không nộp hồ sơ xin giấy phép. Zalo là mạng xã hội có đông người dùng thứ hai ở Việt Nam, chỉ đứng sau số lượng người dùng Facebook. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2019, Zalo có khoảng 47 triệu người sử dụng mỗi tháng.
Cho đến ngày 1/8/2019, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Zalo mới nộp hồ sơ xin cấp phép cung cấp mạng xã hội”.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang đấu tranh quyết liệt với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, yếu cầu phải phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp trong nước đường nhiên là phải tuân thủ.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, Zalo ban đầu phát triển là ứng dụng thoại và tin nhắn qua nền tảng Internet, dịch vụ này theo quy định không cần phải cấp phép. Sau đó Zalo phát triển thêm nhiều ứng dụng mới thành siêu ứng dụng, trong đó có tính năng mạng xã hội. Ban đầu dịch vụ mạng xã hội chỉ gói gọn cung cấp trong số những người dùng Zalo, không phải là dịch vụ cung cấp rộng rãi như một mạng xã hội thông thường.
Cho đến gần đây, Cục PTTH&TTĐT và Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện Zalo hoạt động như một mạng xã hội thật sự và đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo làm thủ tục hồ sơ xin cấp phép. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là xử phạt nghiêm minh, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp OTT trong nước đang cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài vốn rất khó khăn rồi, do đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho Zalo khoảng thời gian để hoàn thiện xin cấp phép.
Cung với sự phát triển của công nghệ, những năm gần đây đã xuất hiện các siêu ứng dụng cung cấp đa dịch vụ như Grab hay Zalo với số người sử dụng lên đến hàng triệu hoặc chục triệu người dùng đang đặt ra một vấn đề quản lý đối với các siêu ứng dụng này thế nào.
Theo nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trên một nền tảng cung cấp đa dịch vụ trên Internet thì những dịch vụ nào thuộc nhóm dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhà nước quy định phải xin giấy phép thì dịch vụ đó phải được bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó cấp phép.
Ví dụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, ngân hàng, tài chính thì phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải được Bộ Công Thương cấp phép, cung cấp dịch vụ đặt xe qua App thì phải được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép…
Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm