Hỗ trợ doanh nghiệp

SME muốn tồn tại phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hội

DNVN - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) muốn tồn tại và phát triển phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hôi, bởi thông qua mạng xã hội có thể kết nối khách hàng và đối tác, từ đó mới nâng giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp bán lẻ phải làm gì khi khách hàng chạm điện thoại 150 lần/ngày? / DNNVV trong lĩnh vực bán lẻ: "Hãy nghĩ lớn và làm nhỏ"

Đây là lời khuyên của bà Cecile Delettre, Trưởng phòng hợp tác và truyền thông sáng tạo, Ban Xúc tiến và truyền thông (Business France), tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương tổ chức ngày 25/3, tại Hà Nội.
Nhấn mạnh mạng xã hội là một công cụ cực kỳ hữu hiệu để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình, bà Cecile Delettre lưu ý đến một số công cụ mạng xã hội phổ biến, đó là Twitter được sử dụng bởi 24% dân số, Facebook là 61%, và Linkedin là 13%.
Ngoài ra, thông qua YouTube, doanh nghiệp cần đưa được nhiều hình ảnh, video giới thiệu về sản phẩm hay dây chuyền sản xuất, công nghệ nhằm giúp khách hàng biết đến chất lượng sản phẩm và tên tuổi của mình. Đây là hướng đi rất hiệu quả trong việc kết nối khách hàng và đối tác. Việc tận dụng mạng xã hội để thực hiện công tác truyền thông và quảng bá sản phẩm sẽ là hướng đi hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và mở rộng thị trường.
Đại diện Business France chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Công thương và Cục Xúc tiến Thương mại.

Đại diện Business France chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Công thương và Cục Xúc tiến Thương mại.

Đại diện Bisiness France chia sẻ, hiện có nhiều tập đoàn lớn như Alibaba, Lazada, Amazon, Ebay… là kênh mà doanh nghiệp nên sử dụng vì có nhiều khách hàng cũng như các kênh phân phối uy tín để từ đó đảm bảo sản phẩm có thể đến tay khách hàng một cách thuận lợi nhất, tạo được niềm tin của người dùng.
Theo bà Cecile Delettre, bí quyết thành công cho doanh nghiệp là bài đăng thường xuyên, hình ảnh, video với tần suất 3 Tweet theo ngày cho bữa sáng, bữa tối trên Twitter, 4 video theo tháng trên YouTube.
Trong khi đó, bà Pascale Lariviere- Chuyên gia truyền thông và thương hiệu, Business France cũng khuyến cáo: Một yếu tố quan trọng giúp Cục Xúc tiến thương mại, cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại khác khác tối ưu hoá các dịch vụ hỗ trợ XK là giúp DN tham gia xây dựng và đạt thương hiệu quốc gia.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện đang là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh của Việt Nam thông qua thương hiệu của DN, sản phẩm.
Tuy nhiên, để phù hợp với bối cảnh hiện tại, chương trình vốn ra đời trong 15 năm qua cần có sự thay đổi phù hợp về giá trị cốt lõi, có thể tìm đại sứ thương hiệu để quảng bá. Quan trọng hơn, kết nối các thương hiệu ngành hàng thành một thể thống nhất dưới thương hiệu quốc gia nhằm nổi bật giá trị cũng như thấy được sự kết nối giữa các giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết: Các SME Việt Nam rất thiếu các thông tin về thị trường, về đối tác tiềm năng hay các nhà nhập khẩu tiềm năng ở thị trường muốn hướng tới. Do vậy, để hỗ trợ các SME, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với Business France và cơ quan phát triển Pháp (AFD) nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống Xúc tiến thương mại của Việt Nam.
Dự án “Tăng cường năng lực hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu” do Cơ quan Phát triển thương mại Pháp (AFD) tài trợ và thực hiện với Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Pháp (Business France) nhằm giúp Cục Xúc tiến thương mại tăng cường năng lực hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, tăng cường thương mại điện tử và truyền thông, phát triển thương hiệu… qua đó mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững.
Một trong số các hoạt động rất mới của dự án là việc các bên đã có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đến gặp Hiệp hội, các SME để tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có các chương trình và hoạt động rất cụ thể, chi tiết.
Chẳng hạn nhu cầu về thông tin, cách làm truyền thông hiệu quả hơn thông qua ứng dụng mạng xã hội, thương mại điện tử… các kỹ năng này được cơ quan phát triển của Pháp và Cục Xúc tiến thương mại có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể.
Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” được tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, ý kiến phân tích, tư vấn để khai thác hiệu quả công tác hỗ trợ các tổ chức thương mại, các SME Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu cùng với sự tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sức ép cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu diễn ra ngày càng gay gắt, luôn gắn liền với sự thành bại của các doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế.
Thách thức lớn đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc tăng cường năng lực hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nhập khẩu, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, thương mại thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các SME trong nước đa dạng hóa sản phẩm, thâm nhập thị trường mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực và toàn cầu nhằm từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế theo hướng bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia Pháp và Việt Nam, đại diện các cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, ngành hàng và đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia trao đổi, thảo luận về những giải pháp nâng cao năng lực hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm