Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chi phí "không chính thức" của doanh nghiệp giảm xuống còn 41%

DNVN - Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Năm 2021, chi phí phi chính thức của doanh nghiệp giảm xuống còn 41%.

PCI năm 2018: Lâm Đồng dẫn đầu khu vực Tây Nguyên / NAPAS đạt chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS phiên bản 3.2.1

Theo ông Đậu Anh Tuấn, con số ấn tượng nhất trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 là mặc dù dịch bệnh diễn ra rất căng thẳng, nghiêm trọng nhưng chỉ số bình quân vẫn trên đà cao hơn 2020. Đây là con số nói lên thông điệp các tỉnh rất nỗ lực thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tín hiệu tích cực của môi trường kinh doanh năm 2021 là một số lĩnh vực có đà cải thiện, thậm chí cải cách rất mạnh mẽ và chi phí phi chính thức của doanh nghiệp vẫn tiếp tục được cắt giảm.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban pháp chế VCCI chia sẻ về Chỉ số PCI 2021. (Ảnh: Hà Anh)

“Qua điều tra gần 12 ngàn doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, năm 2015- 2016, cứ 10 doanh nghiệp, có tới 7 doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí phi chính thức. Năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 41%, con số thể hiện mức giảm rất đều đặn qua từng năm”, ông Tuấn nói.

Điều này cho thấy hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước cũng như những nỗ lực cải cách hành chính từ trung ương tới địa phương có tác dụng rất quan trọng.

Với đà cải cách này, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải cách mạnh hơn nữa và việc chi trả phi chính thức sẽ tiếp tục được giảm trong thời gian tới.

Trưởng Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh: Một trong những điểm sáng được vinh danh tại sự kiện công bố Báo cáo thường niên Chỉ số PCI 2021 sáng 27/4 là tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng.

Quảng Ninh là địa phương đã thể hiện sự tích cực của mình trong Chỉ số PCI 2021, là địa phương năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu bảng PCI và năm thứ 9 liên tiếp nằm trong top cao của PCI. Đây là địa phương đi đầu trong sáng kiến về cải thiện môi trường kinh doanh, chẳng hạn như mô hình một cửa, mô hình ban hỗ trợ đầu tư. Quảng Ninh rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào đầu tư hạ tầng của địa phương.

“Ít có địa phương đạt được thành công trong thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng, từ đường cao tốc, cho đến cảng biển, sân bay như vậy. Tỉnh đã có cách tiếp cận rất thực chất, chẳng hạn như quan tâm tới nhà đầu tư thông qua tổ chăm sóc các nhà đầu tư, tìm giải pháp để nhà đầu tư đã vào Quảng Ninh là hài lòng, gặp thuận lợi (thay vì hội thảo hoành tráng). Tôi cho rằng đây là kinh nghiệm tốt cho các địa phương tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Chi phí phi chính thức của doanh nghiệp giảm xuống còn 41%.

Bàn về Chỉ số PCI 2021 của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Tuấn cho rằng, hai thành phố lớn này không có sự tăng trưởng mạnh chỉ số PCI là do chịu tác động rất sâu từ dịch COVID-19. Trong đó, TP Hồ Chí Minh trong năm 2021 không bị giảm chỉ số PCI đã là một thành công rất lớn. Với cách tiếp cận bài bản, hệ thống, TP Hồ Chí Minh sẽ lấy lại đà vươn lên trong bảng chỉ số PCI.

Cho dù còn nhiều thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực xây dựng, thuế phí, đất đai…, song ông Tuấn tin rằng nếu các địa phương biết cách cụ thể hóa kế hoạch để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh thì chỉ số PCI sẽ tiến bộ.

“Một trong những cách thức thay đổi chỉ số PCI là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải kế hoạch hoành tráng, mà phải bắt nguồn từ thủ tục hành chính cụ thể”, ông Tuấn khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm