Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cơ hội với doanh nghiệp đi trước, đón đầu

Ngành công nghệ bán dẫn được nhận định sẽ là cơ hội với những doanh nghiệp đi trước, đón đầu. Sự cần thiết của ngành chất bán dẫn, quy mô, dư địa thị trường lớn và lợi thế sẵn có của Việt Nam là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp Việt thành công trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp FDI mong muốn ổn định về nguồn cung năng lượng / Người dùng Facebook và Instagram được giảm phí dịch vụ không quảng cáo

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất công tơ điện tử đúng tiêu chuẩn. Vấn đề thương hiệu hiện nay được các doanh nghiệp rất chú trọng. Ảnh tư liệu (minh hoạ): Ngọc Hà/TTXVN

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết: Công nghệ bán dẫn là nền tảng của thế giới hiện đại, huyết mạch của kinh tế số. Quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt 745,5 tỷ USD trong năm 2024 và đạt 2.033,5 tỷ USD vào năm 2033, tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 12%/năm. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành trong tương lai.

Ngành bán dẫn hưởng lợi từ sự bùng nổ các thị trường mới như: Trung Quốc, Ấn Độ và sự lan rộng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G hay internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, chuyên gia từ Agriseco cũng nhận thấy, những thách thức từ sự chậm trễ của kinh tế toàn cầu và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo Agriseco, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển ngành bán dẫn nhờ vị trí địa chính trị, kinh tế; nguồn nhân lực trẻ dồi dào và trình độ cao từ thực hiện đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn; lợi thế từ nguồn đất hiếm có trữ lượng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ). Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng.

Hiện nay, lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam đã và đang thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Nvidia, Intel, Samsung đầu tư. Theo đó, các công ty hoạt động trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn (cung cấp nhân lực, thiết kế, sản xuất, lắp ráp) kỳ vọng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Nhìn nhận về tiềm năng của ngành chất bán dẫn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, doanh thu bán dẫn toàn cầu kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024 nhờ nhu cầu về các thiết bị điện tử phục hồi và chứng kiến chu kỳ tăng trưởng dài hạn mới nhờ nhu cầu thiết bị điện tử, xe điện và mức độ phổ biến của AI, IoT, 5G... ngày càng tăng.

 

Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ chip có tiềm năng lớn trên thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy, tốc độ phát triển của thị trường chip tại Việt Nam trong những năm gần đây đạt 6,12% mỗi năm và dự kiến đến năm 2027 quy mô của thị trường có thể đạt khoảng 1,66 tỷ USD.

Ông Hoàng Việt Anh cũng cho hay, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn FPT đã chủ động xây dựng năng lực tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất chip; trong đó, FPT đã bắt tay vào lĩnh vực chip và bán dẫn, với sự hợp tác đầu tiên là gia công cho các hãng làm chip bán dẫn của các nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồng thời, FPT đã chính thức thành lập Công ty cổ phần Bán dẫn FPT chuyên tập trung vào lĩnh vực chip và bán dẫn. Ngoài việc thành lập Công ty cổ phần Bán dẫn FPT, doanh nghiệp còn đào tạo kỹ sư chuyên về chip và bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030 cung ứng khoảng 10.000 kỹ sư.

Theo Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam, các doanh nghiệp như FPT và Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn. Một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn là phốt pho cũng sẽ tăng giá mạnh nhờ nhu cầu gia tăng. Do đó, Hoá chất Đức Giang cũng được hưởng lợi lớn khi là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất châu Á về phốt pho vàng.

Theo ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang, đến cuối năm 2024, nhu cầu phốt pho của Việt Nam sẽ tăng đột biến nhờ các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Mỹ đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc. Cùng đó, nhu cầu về phốt pho vàng nói riêng và các loại hoá chất khác từ các khách hàng tại Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản… đang phục hồi. Hoá chất Đức Giang cũng cho biết, sản phẩm phốt pho vàng của tập đoàn hiện được các nhà sản xuất chất bán dẫn ưa chuộng nhờ độ tinh khiết cao hàng đầu trên thị trường, cùng đó là khả năng cạnh tranh về giá cả, chi phí. Hiện các phân xưởng của công ty đang hoạt động với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, trong bối cảnh Trung Quốc không còn xuất khẩu phốt pho vàng, Hoá chất Đức Giang trở thành một trong những nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 tổng lượng phốt pho vàng được xuất khẩu trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Hoá chất Đức Giang vẫn giữ quan điểm thận trọng về kết quả kinh doanh trong năm nay. Dự kiến, Hóa chất Đức Giang sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên xem xét và thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm nay đạt 10.202 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023, nhưng mức lãi ròng dự kiến giảm 4%, còn 3.100 tỷ đồng. Nếu thực hiện được kế hoạch này, Hóa chất Đức Giang sẽ có năm thứ 2 ghi nhận doanh thu trên 10 nghìn tỷ đồng và đây là mức doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán, chỉ có số ít doanh nghiệp niêm yết có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngành công nghệ bán dẫn. Nhờ những tiềm năng và cơ hội kinh doanh lớn mở ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng giá rất mạnh, thậm chí vượt đỉnh lịch sử.

Đối với FPT, hiện cổ phiếu này đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử, hơn 116.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt tới gần 142.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng có mức tăng trưởng liên tục đạt 2 con số. Chỉ tính 2 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 7.295 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.312 tỷ đồng, tăng 19%; lãi sau thuế 1.114 tỷ đồng, tăng khoảng 17%.

Còn với Hóa chất Đức Giang, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DGC của doanh nghiệp cũng đang giao dịch tại vùng giá cao nhất lịch sử niêm yết, đạt 123.000 đồng/cổ phiếu.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm