Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cú sốc COVID-19: 'Chất xúc tác' để doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm cơ hội lớn

Câu chuyện doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) "mãi không lớn" được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua. Song đến nay, đại dịch COVID-19 dù gây ra những khó khăn nhưng cũng là chất xúc tác để các DNNVV có giải pháp căn cơ hơn, nhất là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ đó giải đi "lời nguyền" mãi không lớn được.

Cần Thơ thu hồi chủ trương đầu tư dự án hơn 3.500 tỷ của Tập đoàn T&T / Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp lữ hành muốn tạm chuyển lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cạn vốn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm hơn 97% trong tổng số doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đây cũng là nhóm DN chịu tác động khá nặng nề bởi đại dịch. Song "lửa thử vàng, gian nan thử sức" đây cũng là thời điểm để sàng lọc, thúc đẩy để DN chuyển đổi mô hình, trở nên lớn mạnh, dẫn dắt nền kinh tế.

'Sức khỏe' của doanh nghiệp trước cú sốc COVID-19

Ông Trần Duy Nhất, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT, cho biết doanh thu của DN đang trên đà tăng trưởng thì dịch COVID-19 ập tới. Năm 2019, doanh thu đạt 11 triệu USD, năm 2020 giảm xuống còn 10,48 triệu USD. Trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, 81,3% doanh thu của DN này thu được từ thị trường xuất khẩu.

DN-nho-va-vua-1926-1638954564.jpg

COVID-19là chất xúc tác để doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm cơ hội để lớn mạnh.

Song kể từ năm 2020 đến nay do tác động của đại dịch đến thị trường xuất khẩu nên DN đã chuyển đổi sang tiếp cận thị trường nội địa. Tính tới tháng 9/2021, doanh thu nội địa của JAT đạt 30,4%, còn xuất khẩu đạt 69,6%.

Ước tính năm 2021, doanh thu của JAT sẽ đạt 13,06 triệu USD. Mặc dù vậy, DN vẫn đang đối mặt với các thách thức như sản lượng đơn hàng nội địa giảm, cước vận tải biển tăng cao, giá vật liệu đầu vào tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.Bên cạnh đó, DN phải giải quyết thách thức vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch.

Tương tự, ông Nguyễn Công Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh (hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm rau, củ quả, trái cây tươi đông lạnh xuất khẩu), cho biết DN thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đạt chuẩn đầu vào cho sản xuất. Lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu không được kiểm soát, không đạt chuẩn vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Đồng thời, dịch COVID-19 xảy ra càng khiến DN khó có điều kiện tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất hợp lý để nâng cao hoạt động sản xuất, đầu tư vào dây chuyền tự động hóa có công suất lớn.

Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các DN trong ngành điện tử chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ hạn chế. Dịch COVID-19 với những thay đổi về thói quen tiêu dùng, chiến tranh thương mại, sự lớn mạnh của các "ông lớn" công nghệ thống trị toàn cầu... sẽ tác động rất lớn tới ngành điện tử Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ngành điện tử cũng đang đứng trước những cơ hội không hề nhỏ như có thể gia tăng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng bị tác động bởi COVID-19. Đặc biệt, thu hút FDI với hàm lượng giá trị công nghệ cao (mảng nghiên cứu và phát triển), gia tăng vị thế ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong toàn cầu.

"Có thể nói, thách thức cũng lớn nhưng cơ hội sẽ lớn hơn nếu DN nắm bắt được", bà Hương nhìn nhận đây sẽ là điều kiện để DN điện tử bước sang một giai đoạn mới, lớn mạnh hơn.

Tự giúp mình trước khi nhờ hỗ trợ

Trong bối cảnh chính sách hỗ trợ còn hạn chế, bà Hương cho rằng DN cần chủ động để tự giúp mình trước, bởi dù có sự trợ giúp khác nếu DN không sẵn sàng thì không tiếp nhận được.

"Tôi cũng là CEO của một DN điện tử, làm việc với một số hãng điện tử lớn trên thế giới. Tôi thấy rằng DN cần phải cố gắng, bắt đầu có thể học các DN Nhật Bản cách làm 5S như sắp xếp, kiểm tra rà soát, minh bạch hóa hoạt động; sau đó là sàng lọc để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, quản trị công ty...", bà Hương nhìn nhận.

 

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, DN phải chuẩn bị từ những cái nhỏ trước khi bắt đầu những điều lớn lao. Các tổ chức bên ngoài muốn hỗ trợ DN thì trước hết họ phải nhìn thấy được quyết tâm của người đứng đầu DN.

Bà Hương nhìn nhận, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế hỗ trợ DN không phải vì tài sản mình có mà họ nhìn thấy tiềm năng phát triển của DN trong tương lai. Theo đó, không có mẫu số chung cho các DN, mỗi DN cần linh hoạt, thích ứng để trụ vững qua đại dịch, tiếp nhận thêm khách hàng để lớn mạnh.

Về phía đại diện ngân hàng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng DN nhỏ và vừa, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), đặt vấn đề làm sao để các DN nhỏ lớn lên, trong đó yếu tố tài chính, vốn để mở rộng kinh doanh là rất cần thiết.

Song nhìn nhận dưới góc độ ngành ngân hàng, ông Hưng cho rằng DN cần phải củng cố, minh bạch hoạt động kinh doanh của mình. Trong bối cảnh COVID-19, DN cũng phải minh bạch thông tin kể cả có lợi hay bất lợi, như đơn hàng bị huỷ, dòng tiền về chậm, thậm chí thời gian qua có bị lừa đảo, mất tiền khi thực hiện hợp đồng hay không.... Đây là những tiêu chí để ngân hàng xem xét và tin tưởng cho doanh nghiệp vay vốn, thực hiện các chính sách ưu đãi về lãi suất cho DN.

Cùng với sự nỗ lực của DN, cũng như Bộ KH&ĐT đang xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022-2023, GS.TS Đỗ Nguyên Khoát, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, cho rằng giải pháp quan trọng nhất là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

 

Trong đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước... xem xét các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền điện nước, gia hạn tiền nộp khai thác tài nguyên, chính sách lãi suất thấp cho DN...

Có thể thấy nếu kết hợp hiệu quả giữa chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và sự chủ động của DN trong việc tìm kiếm cơ hội, vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19 thì rõ ràng DN nhỏ và vừa có thể trở thành những DN lớn trong tương lai gần.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm