Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đà Nẵng: Chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng đang tăng trở lại

DNVN - Nhận định trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng tháng 11 và 11 tháng năm 2021 vừa được Cục Thống kê TP công bố trong bối cảnh chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn đang dần tăng trở lại nhờ những biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Lắp đặt điện mặt trời và giải pháp tài chính tại các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, với kỳ vọng thu hẹp mức tăng trưởng âm trong năm 2021 trước bối cảnh nhóm ngành chủ lực của TP (nhóm ngành dịch vụ) vẫn chưa thể phục hồi, chính quyền TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều biện pháp theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiện quả dịch COVID-19” nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị cao.

Tháng 11/2021, chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng của Đà Nẵng tăng 0,7% so với tháng trước

Tháng 11/2021, chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng của Đà Nẵng tăng 0,7% so với tháng trước.

Ghi nhận của Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 trên địa bàn ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 2,7% so với tháng cùng kỳ năm 2020. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 27,2% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lần lượt 6,7% và 4,3%.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo là nhóm ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong toàn ngành công nghiệp TP và có sức ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) trong khu vực công nghiệp và xây dựng. Vì vậy, việc áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm bảo đảm vừa sản xuất, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các cấp chính quyền cũng như toàn bộ đây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp.

Đối với công nghiệp sản xuất và phân phối điện trên địa bàn, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, có mức tăng 3% so với tháng trước và gảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải của TP tăng 7,6% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái của ngành điện, nước chủ yếu là do nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch.

“Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số IIP bình quân của Đà Nẵng giảm gần 2,9%. Mức giảm này đã và đang dần được thu hẹp khi TP áp dụng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19. Một số ngành vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+37,6%), sản xuất thiết bị điện (+17,7%), sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+27,6%), sản xuất sản phẩm điện tử (+18,3%)…” – Báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay.

Đáng chú ý, mặc dù chỉ số sử dụng lao đông trong ngành công nghiệp và xây dựng của TP tiếp tục ở mức âm so với cùng kỳ năm trước nhưng nhu cầu sẵn sàng quay trở lại làm việc đã dần được cải thiện. Hầu hết các cơ sở sản xuất đã và đang mở cửa trở lại, thu hút lượng lớn lao động tham gia. Đặc biệt, các đơn vị ngoài nhà nước trong các KCN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất trong tình hình mới.

Cụ thể, ước tính tháng 11/2021, chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng của Đà Nẵng tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 0,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng năm trước. Ngược lại, khu vực ngoài nhà nước tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ; khu vực FDI tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 1,5% so với cùng kỳ.

Bình quân 11 tháng năm 2021, chỉ số lao động của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm sâu nhất là ngành khai khoáng (-19,7%) và loại hình giảm nhiều nhất là khối doanh nghiệp nhà nước (-4,5%).

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm