Hỗ trợ doanh nghiệp

Tiến sĩ Phạm S: Cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

DNVN - Với nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng “Quy trình độc quyền canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi LangBiang” và nhận diện thương hiệu cho huyện Lạc Dương, với kỳ vọng cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương sẽ sớm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Lâm Đồng: Hỗ trợ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thử nghiệm sản phẩm mới / Lâm Đồng: Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Chiều ngày 15/6, UBND huyện Lạc Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Nông nghiệp hữu cơ – Nông nghiệp thông minh.

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất dựa trên nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phát biểu tại hội thảo.

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, toàn huyện có 8.400 ha diện tích canh tác nông nghiệp; trong đó, có 1.151 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính; 21 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 7 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và 2 doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ…

Lạc Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, như: Tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá nhanh, nông dân tiếp thu nhanh công nghệ mới, đất đai rộng lớn và đã có 4 khu, 1 vùng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao… Từ đó, huyện xác định đi theo định hướng mới là nông nghiệp hữu cơ, cân bằng giữa sản lượng và chất lượng.

Cũng theo ông Sử Thanh Hoài, hiện nay, người tiêu dùng nông sản đã nhận thức và ý thức được về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có nhiều tiềm năng phát triển. Nhu cầu về sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ sẽ ngày càng tăng cao.

“Một khảo sát thị trường mới đây của huyện cho thấy, người tiêu dùng tại các thành phố lớn sẵn sàng chi số tiền nhiều hơn hiện nay để sử dụng nông sản hữu cơ và các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu hữu cơ. Với lợi thế của địa phương, chúng tôi sẽ kết hợp nông dân với nhà cung ứng, phân phối thông qua nền tảng công nghệ để mỗi sản phẩm hữu cơ đều có đầu ra tốt”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Mai Long - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar)

Ông Nguyễn Mai Long - Tổng Giám đốc Ladophar chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Mai Long - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar), đánh giá, định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương là rất phù hợp với xu hướng phát triển chung. Tuy nhiên, địa phương cần xây dựng những chính sách mang tính lâu dài để doanh nghiệp cùng chung tay phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tổng Giám đốc Ladophar cho rằng, nói đến nông nghiệp hữu cơ gần như là nói về câu chuyện bán hàng. Mong muốn lớn nhất của người làm nông nghiệp hữu cơ là đưa sản phẩm đến người tiêu dùng đúng với giá trị của nó. Từ đó khuyến nghị, huyện Lạc Dương nên đặt mình như vai trò của 1 doanh nghiệp lớn, cần có chính sách, cam kết với nhà đầu tư rõ ràng để thu hút các nguồn lực xã hội, tạo sân chơi lành mạnh, hữu ích cho người dân và doanh nghiệp cùng nhau phát triển nông nghiệp hữu cơ.

 

“Lạc Dương là một trong nhữngvùng nguyên liệu chính của Ladophar. Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ bao tiêu 100% sản phẩm Atiso hữu cơ của Lạc Dương và vùng lân cận, để chế biến ra những sản phẩm chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân yên tâm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ”, Tổng Giám đốc Ladophar Nguyễn Mai Long cam kết.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ nhiều thông tin mang tính khoa học thú vị tại hội thảo.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, ngày nay, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, xanh, sạch của người tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. Trên thế giới hiện có 186 quốc gia và vùng lãnh thổ có sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích canh tác đạt 71 triệu ha, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ước tính đạt gần 80 tỷ USD.

 

Nước ta có nhiều ưu thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, hiện nay có 45 tỉnh, thành có các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (Đề án 2666) và đạt được một số kết quả nhất định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ ra: Lạc Dương là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, hiếm nơi có được. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm lượng mưa tại Lạc Dương tăng lên, đây cũng là lợi thế lớn so với những vùng sản xuất khác.

“Lạc Dương còn là thượng nguồn cung cấp hệ thống nước cho Lâm Đồng, Nam Tây Nguyên và 8 tỉnh Đông Nam bộ, giúp điều tiết nước ngọt cho liên vùng. Độ sương mù trong năm cao, tạo chất lượng nông sản rất tốt. Hơn nữa, tuổi canh tác đất nông nghiệp của huyện “trẻ” nhất so với các vùng khác của tỉnh. Đó là các lợi thế rất lớn của địa phương để phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng”, Tiến sĩ Phạm S khẳng định.

Với mong muốn được nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ có chi phí thấp đến bà nông dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc, Tiến sĩ Phạm S đã trao tặng “Quy trình độc quyền canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” và nhận diện thương hiệu cho huyện Lạc Dương.

Theo Tiến sĩ Phạm S, với trách nhiệm là nhà quản lý, nhà khoa học, ông đã nghiên cứu 5 năm liên tục tại huyện Lạc Dương và nhận thấy, tốc độ chuyển đổi cây cà phê quá nhanh để sản xuất cây ngắn ngày. Quá trình sản xuất đã tác động gây xói mòn đất, phá vỡ cảnh quan. Cùng với đó là tình trạng người dân xâm lấn đất rừng làm nông nghiệp. Do đó, ông đã nghiên cứu quy trình canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi Langbiang và trao tặng cho địa phương.

 

Quy trình được tác giả trình bày cụ thể từng khâu, từng cách triển khai thực tế từ khâu sản xuất đến định hướng thị trường, để trở thành cẩm nang cho nhà nông trong quá trình sản xuất cà phê hữu cơ Arabica dưới chân núi Langbiang. Trong đó, đáng chú ý là tạo vườn cà phê giá trị đa chức năng cảnh quan, canh tác hoàn toàn bằng sinh học, trồng những cây họ đậu để cung cấp dinh dưỡng và trồng cây cảnh quan (phượng tím) để ngăn cản sương muối, cung cấp phân xanh và che bóng mát…

Với quy trình canh tác này, sẽ tạo ra sản phẩm cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương và sẽ có sản phẩm OCOP cà phê hữu cơ Arabica đầu tiên của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất quy mô hợp tác xã và liên kết sản xuất, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, giúp nông dân giảm chi phí; xây dựng Lạc Dương trở thành huyện có diện tích cà phê Arabica chứng nhận hữu cơ lớn nhất cả nước.

“Tôi tặng toàn bộ quy trình, nhận diện mang tính toàn cầu cho huyện Lạc Dương nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, cùng với kỳ vọng mở cửa thị trường đối với cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương trong tương lai. Dự báo, khoảng hai năm tới, thương hiệu cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Tiến sĩ Phạm S kỳ vọng.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm