Lâm Đồng: Phát triển nông nghiệp hữu cơ còn gặp khó
Lâm Đồng: Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp / Doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá tại Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng 2022
Chiều ngày 15/6, UBND huyện Lạc Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Nông nghiệp hữu cơ – Nông nghiệp thông minh.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phát biểu tại Hội thảo.
Lạc Dương là huyện có điều kiện khí hậu ôn hoà, thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá nhanh. Người nông dân tiếp thu nhanh công nghệ mới trên thế giới và trong nước. Nguồn đất còn dồi dào, hiện nay đã có 4 khu, 1 vùng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ. Chưa có nhiều tổ chức kiểm tra, chứng nhận sản xuất hữu cơ. Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến…
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của người nông dân còn nhỏ lẻ, nên khó khăn trong việc sản xuất quy mô lớn, dẫn đến chi phí đầu tư cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phổ biến. Việc đầu tư các nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Do đó, toàn huyện mới chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất và được chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ và quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, bao gồm: TP Đà Lạt, và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng…
Mặc dù được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi, có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ lớn, với nhiều công nghệ, thiết bị, giống mới được sử dụng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhưng đến nay diện tích sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2021 có hơn 1.298 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Tập trung chủ yếu các đối tượng: Rau, điều, lúa, cây ăn quả, cỏ nuôi bò sữa…
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội thảo.
Những khó khăn được đưa ra là do biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt làm xuất hiện các loại dịch bệnh mới khó kiểm soát. Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chứng nhận hữu cơ Việt Nam chưa được quốc tế công nhận. Người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.
Bên cạnh đó, người nông dân chưa nắm rõ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Chưa có quy hoạch, kế hoạch hình thành các vùng sản xuất hữu cơ. Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô nhỏ khó phát triển theo hướng hàng hóa hiện nay.
Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hữu cơ chưa được thực hiện rộng rãi, chủ yếu do doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường. Chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ cao, chưa có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo