Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất an toàn

Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tuyển dụng mới, đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Nhiều người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa sau thời kỳ giãn cách xã hội / Mới chỉ có 17% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ

Việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp, rời nhà máy, phân xưởng để về quê. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, một số tỉnh, thành phố, dự kiến sẽ xem xét việc nới lỏng giãn cách trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp có sử dụng đông lao động như dệt may, thủy sản, chế biến gỗ.... đã lên kế hoạch tuyển dụng mới, đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch trong nhà máy để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Với ngành gỗ, các doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa" khi nhiều nhà máy nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng lại không có đủ lao động để sản xuất. Trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh, thành phía Nam, số lượng công nhân hiện chỉ bằng ¼ so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, ngành đang phải nỗ lực tuyển mới nhiều lao động.

Còn với ngành nhựa, để người lao động yên tâm ở lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Một số doanh nghiệp còn mở thêm 1 trung tâm y tế ngay chính trong nhà máy, đồng thời, tổ chức test nhanh cho nhân viên đều đặn hàng tuần để đảm bảo luôn có một lực lượng lao động xanh.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc CTCP XNK Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Doanh nghiệp đã chuẩn bị trang bị thêm cho bản thân doanh nghiệp mà trước đây không có, đó là xây dựng thêm trung tâm y tế của chính doanh nghiệp với đầy đủ trang thiết bị có nhân viên y tế được đào tạo để chăm sóc người nhiễm FO. Với doanh nghiệp xuất khẩu mùa này mới là mùa làm ăn để chuẩn bị cho Giáng sinh. Tất cả các nước châu Âu họ tập trung mua hàng từ tháng 7 và đến tháng 10 thì đóng cửa để phân phối".

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất an toàn - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội như Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, khu Công nghiệp Nội Bài, công tác đảm bảo chống dịch được nâng lên mức cao vì đây là khu vực tập trung số lượng lớn người lao động

Các doanh nghiệp cũng mong muốn sẽ có thẻ xanh COVID-19 với những lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine để giảm bớt gánh nặng chi phí 3 tại chỗ cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất do dịch

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính), số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm đến tới gần 70%, chủ yếu tập trung ở những tỉnh/thành phố có số ca mắc COVID-19 cao TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước. Tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%.

 

Giảm thiểu tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng

Trước cơ hội khôi phục lại hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp cũng chủ động phương án để hạn chế tối đa thiệt hại từ đứt gãy chuỗi cung ứng do những khó khăn về lưu thông hay thiếu hụt nguyên vật liệu.

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất an toàn - Ảnh 2.

1 triệu sản phẩm trễ tiến độ giao hàng sau 1 tháng tạm dừng hoạt động do có ca mắc COVID-19 trong nhà máy. Công ty may mặc Việt Thắng Jean đặt kế hoạch sản xuất trở lại theo từng bước, đầu tiên là ngày 16/9 với 50% lao động. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất để bù đắp cho những nhân sự không thể tới nhà máy.

Còn đối với Tập đoàn Đại Dũng, để đảm bảo tiến độ đơn hàng, công ty đã tìm cách chủ động tăng dự trữ nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, làm gián đoạn sản xuất.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đại Dũng, cho biết: "Đối với vật tư nguyên liệu, chúng tôi cũng phải có kế hoạch là chuẩn bị cho 3 tháng hoạt động, gồm tất cả những vật tư chính và vật tư nguyên liệu phụ. Chúng tôi tránh tình trạng bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và những việc mà họ có hàng nhưng không giao được do việc đi lại khó khăn trong thành phố".

 

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Hiệp hội sẽ giúp cho doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố một cách nó tốt nhất, gọn nhất và nhanh chóng hỗ trợ sớm nhất, ví dụ như về vấn đề vốn".

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nên cho doanh nghiệp chủ động phương sản xuất tuỳ theo tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực phòng chống dịch. Ngoài ra, để chuỗi cung ứng được thông suốt, vấn đề phối hợp giữa tỉnh, thành cần được tính đến. Hình thành chuỗi sản xuất an toàn, liên kết giữa các vùng xanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất mang tính dây chuyền.

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất an toàn - Ảnh 3.

Nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm quay lại sản xuất, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây cho biết, sẽ xây dựng bộ 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động, thương binh, xã hội. Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước 16/9. Nếu các doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn. Còn phía các doanh nghiệp, cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ được thực thi đồng bộ.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc CTCP XNK Nam Thái Sơn, Chủ tịch hiệp hội nhựa Thành phố Hồ Chí Minh: "Hiện tại doanh nghiệp có 2 luồng lao động, một 3 tại chỗ và 2 là ở ngoài là lực lượng lao động rất lớn ở các tỉnh họ đang muốn về thành phố. Khi thành phố mở cửa làm sao để các tỉnh lân cận các khu vực vùng liên quan đến TP Hồ Chí Minh cũng phải có sự thông thoáng tương tự, hỗ trợ họ có hộ chiếu xanh để họ tiếp tục làm việc. Việc mở cửa không chỉ riêng thành phố mà các tỉnh cũng mở cửa".

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): "Phải có quy định cụ thể về việc kiểm soát đi lại và tạo ra hành lang thông thoáng, minh bạch, rõ ràng và có trả lời thấu đáo cho doanh nghiệp về việc thực hiện Chỉ thị 15, việc đi lại. Có như vậy khách hàng mới có niềm tin, tiếp tục đưa đơn hàng về cho mình".

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hãng sơn Đông Á: "Hiện nay chúng tôi đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 nhưng đi các tỉnh vẫn bị cách ly 21 ngày. Chúng tôi đề nghị nếu tiêm đủ thì không bị cách ly nữa. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ linh hoạt để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn".

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó, có nhiều giải pháp tổng thể về lưu thông, xét nghiệm, hay hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa duy trì phát triển sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm