Doanh nghiệp - Doanh nhân

Mới chỉ có 17% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ

DNVN - Trong tổng số 21.517 doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát online thuộc hai nhóm chính là DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” và doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” thì mới chỉ có 17% số doanh nghiệp thuộc cả 2 nhóm này cho biết đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Còn lại 83% DN vẫn chưa tiếp cận được gói này.

Người lao động phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh do tác động bởi COVID-19 / Chỉ 2% người lao động mất việc tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ

Gói hỗ trợ vay với lãi suất 1-3% để trả lương sẽ có tác động tích cực nhất tới doanh nghiệp

Tại “Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19” do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress tiến hành khảo sát online trên tổng số 21.517 DN cho thấy: số DN “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890). Số DN cố gắng “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương với 3.355 DN). Số DN “Giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương với 3.272 DN).

Trước câu hỏi khảo sát về chính sách trợ nào của Nhà nước được cho là hiệu quả nhất để hỗ trợ DN giai đoạn này, chính sách được nhiều DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn nhất là “Hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương”, với tỷ lệ lựa chọn là 62%. Đứng thứ hai là Chính sách “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” cũng được nhóm DN này lựa chọn với tỷ lệ 60%.

Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được doanh nghiệp cho là sẽ hiệu quả.

Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được doanh nghiệp cho là sẽ hiệu quả.

Ban IV đánh giá, đề xuất này khá nhất quán so với kết quả thống kê 5 gánh nặng tài chính lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải đặc biệt với DN “tạm ngừng hoạt động do dịch”. Vì trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, họ vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.

Đối với nhóm DN “duy trì sản xuất kinh doanh” thì tỷ lệ lựa chọn này chiếm 55%. Thực tế, đây là nhóm doanh nghiệp đang chịu rất nhiều áp lực và chịu nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động không chỉ tiền chi lương, bảo hiểm, nhằm duy trì một phần hoạt động, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm để giữ thị trường, giữ khách hàng, không bị phạt hợp đồng.

Với nhóm này, mặc dù công suất giảm, nhưng nhiều DN thực hiện “3 tại chỗ” đã phải tăng thêm chi phí bình quân cho 1 lao động một tháng là 9,33 triệu đồng. Tức là chi phí cho lao động tăng gấp đôi. Từ đó, Ban IV nhận định đây là nhóm chính sách quan trọng để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nâng được sức cạnh tranh, cải thiện sức khỏe tài chính nhằm tiếp tục duy trì hoạt động và đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Và cũng từ lý do trên, đã có tới 65% doanh nghiệp nhóm này lựa chọn chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất đối với họ là chính sách “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” (TNDN). Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, hay thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng “không còn lợi nhuận” và trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế TNDN.

Đứng thứ 3 trong số các lựa chọn của 2 nhóm doanh nghiệp chính là nhóm chính sách về hỗ trợ “giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh” với tỷ lệ trên 50%. Thứ tư là chính sách ““giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)” được 84% doanh nghiệp thuộc nhóm “duy trì sản xuất kinh doanh” và 46% doanh nghiệp thuộc nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” lựa chọn. Thứ năm là nhóm chính sách là “giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội” với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 41% và 33%.

Ngoài 5 chính sách được lựa chọn nhiều nhất thì có gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách “hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng” hoặc “giảm thuế thu nhập cá nhân” cũng là những chính sách hiệu quả.

Chỉ 17% số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ

Dòng tiền được ví như “máu” của DN. Với tình trạng dịch bệnh biễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, đóng băng đã làm cho các DN đang cạn dần nguồn oxy nuôi "máu" để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều DN nghiệp phải tạm dừng hoạt động, mất nguồn thu dẫn đến khó khăn thiếu hụt về dòng tiền để duy trì sản xuất.

Cách thức chính của doanh nghiệp để giải quyết khó khăn về dòng tiền.

Cách thức chính của doanh nghiệp để giải quyết khó khăn về dòng tiền.

Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, để giải quyết khó khăn trong việc thiếu hụt dòng tiền, cả hai nhóm DN lựa chọn đó là giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó, có 3 nhóm giải pháp chính mà hiện các doanh nghiệp đang triển khai để duy trì được dòng tiền bao gồm:

Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ duy trì dòng tiền bằng cách vay ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ở giải pháp này, chỉ 30% trong số doanh nghiệp thuộc nhóm “tạm ngừng hoạt động do dịch” tiếp cận được nguồn vốn vay. Trong khi tỷ lệ này ở nhóm “duy trì sản xuất kinh doanh” là 39%.

Thứ hai, là vay tiền từ các tổ chức tài chính vi mô hoặc cá nhân. Tỷ lệ các doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” tiếp cận nguồn vay này là hơn 22% còn ở các doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” gần 18%.

Thứ ba, là vay gói hỗ trợ từ nhà nước. Và tỷ lệ của cả 2 nhóm đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay này chỉ vào khoảng 17%. Cá biệt có đến 2,4% doanh nghiệp trả lời là hiện doanh nghiệp họ đang không có giải pháp nào để giải quyết khó khăn về dòng tiền với nội dung bi quan như “không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước”, “không thể vay”, “lên tivi vi mà vay”, “xin vay từ năm ngoái đến năm nay không được”...

Từ những số liệu trên, Ban IV cho rằng, nếu các DN tiếp tục phải đóng cửa mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao. Có thể khẳng định, DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng DN được phép hoạt động trở lại hay không.

Cũng theo Ban IV, tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho hai nhóm DN nêu trên nếu chính quyền địa phương có thể hỗ trợ họ vận hành trở lại hoạt động, hoặc tự thân các DN tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm