Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp dệt may hết cảnh "ăn đong"

Không còn tình trạng "ăn đong", hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV năm nay, thậm chí đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Đổi mới và phát triển bền vững nâng cao vị thế ngành sữa Việt Nam / Doanh nghiệp Lâm Đồng quảng bá tại liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh

Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 6,42%. Nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, nền kinh tế nước ta nhìn chung đã phục hồi và tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Trong lĩnh vực dệt may đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất trong hơn 13 năm qua. Không còn tình trạng ăn đong, hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV năm nay, thậm chí đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Chuyên sản xuất các sản phẩm thể thao xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp Prosport cho biết 6 tháng đầu năm nay, lượng đơn hàng của họ đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp dệt may hết cảnh ăn đong - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV năm nay, thậm chí đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Bước sang những ngày đầu tháng 7, khu vực làm mẫu và lên dập của doanh nghiệp này đã luôn luôn phải làm việc hết công suất để kịp cho ra đời hơn 100 mẫu để có thể chào hàng cho vụ thu đông của năm 2024. Doanh nghiệp cho biết với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, họ luôn luôn phải có sự cải tiến về chất liệu cũng như về hình dáng để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng giá trị sản phẩm.

Bà Trần Nhị Hà - Tổng Giám Đốc Công ty Pro Sports Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã ký kết được các đơn hàng đến hết năm 2024 và thậm chí dự kiến có những đơn hàng đã có đến hết quý I/2025".

Đơn đặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến tăng trưởng chỉ số PMI, các chuyên gia cho rằng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới hiện nay tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2022.

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn điều IV, trưởng nhóm phụ trách Việt Nam, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF nêu ý kiến: "Sự phục hồi dần dần của nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã diễn ra từ cuối năm 2023 đang có tác động tích cực mạnh mẽ đến lĩnh vực sản xuất. Thương mại toàn cầu đang thực sự tăng tốc nên lượng đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam nhiều."

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Các doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động sản xuất và mua hàng khi nhận thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Và quan trọng nhất, họ cũng bắt đầu tăng số lượng nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất".

 

Mặc dù dù chi phí vận tải và đầu vào có tăng, nhưng việc Chính phủ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ như kéo dài thời gian áp dụng VAT 8% đến cuối năm, hay Anh và Bắc Ireland gia nhập CPTPP sẽ tiếp sức cho ngành sản xuất dệt may xuất khẩu Việt Nam cán mốc 44 tỷ USD năm nay.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: "Nếu tham gia vào CPTPP mà chúng tôi đáp ứng được tiêu chí xuất xứ từ sợi thì rõ ràng các dòng thuế vào thị trường Anh sẽ được giảm về 0%".

Các doanh nghiệp sản xuất cũng cho biết hiện nay đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm mới 10-15% số lượng lao động để sẵn sàng đón nhiều hơn đơn hàng sản xuất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm