Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp nhỏ mong manh trước cơn 'sóng dữ'

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước dừng hoạt động, mất khả năng thanh khoản. Cộng đồng doanh nghiệp khẩn thiết "kêu cứu" tới Chính phủ, bộ ngành và địa phương có quyết sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này kịp thời, để vượt qua đại dịch COVID-19.

Mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường / Đồng bằng sông Cửu Long: Gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ trong 3 tháng

"Mong manh, dễ vỡ" là cụm từ mà ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương nói về "sức khỏe" của các doanh nghiệp (DN) nhỏ trong đợt dịch thứ 4 này. Trải qua 3 đợt dịch lần trước, các DN đã cố gắng đứng vững, nhưng trước đợt dịch lần thứ 4 kéo dài, diễn biến lại phức tạp, khiến DN nhỏ vốn sức chịu đựng hạn chế khó trụ vững.

Bên bờ vực phá sản

Theo ông Minh, những khó khăn mà các DN gặp phải như vận chuyển lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu khó khăn khiến nguồn cung gỗ nguyên liệu bị đứt gãy liên tục. Bên cạnh đó là việc thực hiện sản xuất theo quy định 3 tại chỗ cũng khiến DN phát sinh thêm chi phí, khó cầm cự được lâu dài, công suất hoạt động của nhà máy giảm mạnh, nhiều nhà máy đóng cửa vì không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.

DN-nho-va-vua-3959-1630314172.jpg

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu bằng 0%, mất khả năng thanh khoản.

Điều này khiến DN trong ngành gỗ bị trễ, lỡ hẹn đơn hàng. Một khi lỡ đơn hàng thì sẽ mất cơ hội. "Việc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể khiến DN mất chỗ đứng trên thị trường thế giới, mất dòng tiền quay về, có nguy cơ phá sản", ông Minh cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhiều DN đang trong tình cảnh "hấp hối", mong muốn có "liều thuốc" để hỗ trợ.

Với ngành du lịch - vốn đã quá sức chịu đựng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA Travel, cho hay đợt dịch thứ 4 diễn ra đúng vào mùa cao điểm du lịch mùa hè. Trước đó, DN du lịch rất kỳ vọng vào mùa cao điểm này để có sự phục hồi. "DN chúng tôi đã xuống tiền đặt cọc hàng tỷ đồng cho hàng không, khách sạn, du thuyền... nhưng đến nay kỳ vọng xem như đổ vỡ hoàn toàn do hết mùa hè rồi mà vẫn chưa khởi động được", ông Đạt nói.

Ông Đạt chia sẻ thêm, số tiền đặt cọc cũng có nguy cơ mất trắng do đối tác chiến lược phá sản. Vừa qua, một resort 5 sao ở Hội An (Quảng Nam) - đối tác chiến lược của chúng tôi bị phá sản, ngân hàng kê biên tài sản, DN mất tiền đặt cọc, không biết xử lý thế nào.

Trong khi đó, đại diện AZA Travel cho hay, DN vẫn đang khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. Trong khi đó, DN muốn vay vốn trả lương cho người lao động, cũng như trang trải chi phí khác để cố gắng cầm cự qua dịch. Có thể thấy nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều DN trong ngành du lịch sẽ phá sản, mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ ảnh hưởng.

DN 'kêu cứu' Chính phủ

 

Trong một diễn biến liên quan, trước tác động chưa từng có từ đại dịch COVID-19, nhiều DN nhỏ và vừa ở TP.HCM mới đây đã kêu gọi 5.000 chữ ký, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành "cứu" DN. Đến chiều ngày 30/8, thư kiến nghị này đã đạt được gần 2.000 chữ ký của các doanh nhân.

Trong thư kiến nghị của các DN nhỏ và vừa gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, đã khẳng định, hiện nay tất cả các DN phía Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài. "Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, DN tha thiết đề nghị Chính phủ hoạch định cơ chế hỗ trợ khẩn cấp để giúp cho các DN nhỏ và vừa, chiếm 97,8% các DN cả nước, vượt qua giai đoạn khó khăn này, ổn định để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì ổn định đời sống cho người lao động", thư kiến nghị nêu rõ.

Theo đó, các DN nhỏ và vừa cho biết họ đang gặp phải nhiều khó khăn như ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động, chi phí tăng cao do những phát sinh như xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ; tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng kho bãi, BHXH... nhưng đa số DN vẫn cố gắng thanh toán đủ 100% lương để duy trì và bảo đảm cuộc sống cho người lao động, trong khi Nhà nước chưa thể hỗ trợ cụ thể do tập trung chống dịch. Nhiều DN có doanh thu cán mốc ở mức... 0%.

Do đó, các DN nhỏ và vừa đã kiến nghị nhiều giải pháp như: Chính phủ cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội (ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch, miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho DN tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch. Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài...

Để giảm bớt gánh nặng cho Chính Phủ, DN khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các DN hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc xin đầy đủ. Theo đó, người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm đủ 1 mũi, và phải thực hiện nghiêm túc 5K. Người lao động và đại diện DN được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi, và phải thực hiện nghiêm túc 5K...

 

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng cho biết, việc nhiều tỉnh, thành đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ách tắc, nhiều DN lâm vào khó khăn. Do đó, để hỗ trợ DN, Chính phủ phải có các chính sách dài hơi. Trong đó, ưu tiên việc miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN; tạo điều kiện cho DN tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh; cho phép giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt là phải tạo thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại.

“Chỗ nào đã khoanh vùng, tạo được vùng xanh thì Nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông”, ông Quốc Anh kiến nghị.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm