Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn "đói" vốn
Vì sao Vận tải Hoá dầu VP lỗ nặng? / Lợi nhuận Hanoimilk, Mộc Châu Milk, BSG Bạc Liêu giảm sút
Thực tế cho thấy, với quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, phần lớn SMEs có nhu cầu vốn cao, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất cần nguồn lực cho giai đoạn đầu thiết lập các nền tảng kinh doanh.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp này rất yếu thế trong việc huy động vốn trực tiếp, do phần lớn đều là các công ty nhỏ, chưa niêm yết, chưa thể huy động vốn từ các kênh trên thị trường chứng khoán...
Số lượng lớn nhưng khả năng vay vốn rất thấp
Tại Hội thảo "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam" diễn ra vừa qua,phác hoạ tổng quát về bức tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam, các chuyên gia thông tin, cộng đồng SMEs hiện chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Doanh thu từ khu vực này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. So với GDP, doanh thu của SMEs tương đương 70% GDP Việt Nam. Hiện có hơn 40% doanh nghiệp SMEs tham gia vào hoạt động bán buôn và bán lẻ.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), khu vựcSMEs có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong khai thác các thị trường ngách và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư nhỏ của xã hội để phục vụ cho phát triển kinh tế.
"Điều đó thể hiện rõ nét trong "bão" dịch và khủng hoảng kinh tế - thời kỳ khó khăn, SMEs vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng", TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kýVinasme khẳng định.
Mặc dù chiếm số lượng rất lớn như vậy nhưng khả năng vay vốn của khu vực SMEs còn rất thấp.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn lại lâu nay được các chuyên gia chỉ ra, mặc dù chiếm số lượng rất lớn như vậy nhưng khả năng vay vốn của khu vực SMEs còn rất thấp. Thống kê cho thấy, tổng nợ vay của SMEs thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Giá trị các khoản vay hiện thời của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay là trên 11,2 tỷ USD, tương ứng 32,18% nhu cầu tín dụng trong khi 67,82% nhu cầu vốn chưa được đáp ứng, tương đương khoảng trống tài chính gần 24 tỷ USD. Trong đó, khoảng trống tài chính của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 1,89 tỷ USD; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là 21,71 tỷ USD.
Theo đại diện FiinGroup, khoảng trống tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho SMEs.
Làm thế nào để hỗ trợSMEs tiếp cận vốn hiệu quả?
Có thể thấy, thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là “bài toán khó”, đang kìm hãm sự phát triển của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Chia sẻ với phóng viên, ông Đoàn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Minh Tuấn (Phú Thọ) cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cũng như đáp ứng những tiêu chí mới của thị trường, hướng tới sản xuất xanh, công ty chúng tôi rất cần dòng vốn để đầu tư thiết bị, máy móc, chuyển đổi sang sản xuất xanh. Song, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn là bài toán nan giải, bởi nhiều tiêu chí của ngân hàng khó đáp ứng.
"Ngân hàng không thiếu nguồn tiền cho vay nhưng SMEs không thể tiếp cận được. Nguyên nhân chủ yếu không chỉ nằm ở việc không đủ điều kiện vay, mà còn do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản, khi mà việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng…",TS. Tô Hoài Nam phân tích.
Trong suốt thời gian dài, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Nhưng quy định nội bộ của một số ngân hàng thương mại vẫn quá phức tạp. Nhất là việc xác định số vốn cho vay dựa trên giá trị tài sản thế chấp chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đơn cử, tài sản thế chấp chỉ được định giá ở mức khoảng 70 - 80% giá trị giao dịch thực tế trên thị trường, tỷ lệ cấp vốn chỉ khoảng 70% giá trị định giá tài sản thế chấp.
Ở một khía cạnh khác, theo một số chuyên gia, có nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp SMEs do thường thường kém minh bạch thông tin tài chính, quản trị, chưa đáp ứng các chuẩn mực tài chính, thông lệ thương mại ngành…
Trước tình hình đó, để hỗ trợ dòng tài chính cho doanh nghiệp một cách hiệu quả,theoTổng thư ký Vinasme, nước ta cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa việc khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Chính phủ từ lâu song vẫn chưa được triển khai hiệu quả trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, thông qua cácchính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để giúp doanh nghiệp; giải pháp giảm lãi suất còn rất ít dư địa song vẫn nên tiếp tục thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Song song với đó, cần tiếp tục giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và nghiên cứu thêm các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ nhiều hơn.
Mặt khác, nước ta phải tháo được nút thắt ở thị trường tín dụng,hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính. "Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của mình, rõ ràng bản thân các ngân hàng thương mại cần tiếp tục cắt giảm điều kiện về thủ tục vay vốn", ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện thị trường tài chính tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cùng đó, văn hoá cho vay ở Việt Nam là chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản mà chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại…Điều này là gợi ý cho những gói cho vay linh hoạt hơn từ các ngân hàng. Từ đó có những sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của SMEs.
End of content
Không có tin nào tiếp theo