Doanh nghiệp tìm cách thích ứng giá điện tăng
Taxi Xanh SM của Việt Nam chính thức ra mắt tại Lào / Cảng San Diego Mỹ mong muốn hợp tác với Cảng Đà Nẵng
Theo tính toán của EVN, đợt điều chỉnh giá điện này sẽ không tác động nhiều đến các hộ nghèo và gia đình diện chính sách. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chi phí tiền điện tăng thêm sẽ phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ ở các bậc theo thang giá, thời gian sử dụng điện vào cao điểm hay thấp điểm.
Trước động thái này của ngành điện, nhiều doanh nghiệp chia sẻ đang phải thích ứng với tình hình mới. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản với rất nhiều công đoạn từ sơ chế nguyên liệu, chế biến, sấy khô đều phải sử dụng điện. Trung bình mỗi tháng riêng nhà máy Xuân Nguyên tại Tp. Hồ Chí Minh chi trả khoảng 150 triệu đồng tiền điện. Với hai lần điểu chỉnh tăng giá điện trong năm 2023, chi phí tiền điện mà doanh nghiệp phải trả thêm cũng tương ứng 7,5%. Nếu xét trong điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi chi phí này không phải là vấn đề quá lớn, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều phải chịu sức ép từ việc thị trường sụt giảm, sức mua của người dân bị hạn chế do tình hình kinh tế khó khăn. Với các mặt hàng không thiết yếu, sức mua giảm sút một cách rõ rệt dù đã áp dụng nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng. Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng, giá điện cũng đóng góp một phần đáng kể nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán sản phẩm.
“Với điều kiện kinh tế eo hẹp như hiện nay, nếu tăng giá bán sản phẩm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục lọc bớt các sản phẩm không thiết yếu ra khỏi danh sách hàng hoá mua sắm. Lâu dần họ không còn thói quen sử dụng sản phẩm đó trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến thu hẹp quy mô thị trường. Đối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng nông sản như Xuân Nguyên, nếu không bán được sản phẩm thì không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chế biến của nhà máy mà còn khiến nông dân vùng nguyên liệu gặp khó khăn”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.
Ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất công nghiệp và Thương mại Vít Việt cho biết, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong ngành cơ khí, trung bình chi phí tiền điện khoảng 200 trăm triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh tăng giá điện hai lần trong năm nay sẽ làm gia tăng tiền điện doanh nghiệp phải đóng hàng tháng. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá điện không chỉ dừng lại ở hóa đơn tiền điện mà còn kéo theo rất nhiều chi phí khác từ nguyên liệu, vận chuyển, kho bãi đều tăng. Trong bối cảnh lượng đơn hàng ít ỏi như hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhưng vẫn phải vận hành toàn bộ dây chuyền thì chi phí tăng thêm ở mỗi sản phẩm cũng không nhỏ. Phần lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục giảm bởi việc gia tăng nhiều loại chi phí khác nhau.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho biết, chi phí tiền điện từ tháng tới sẽ tăng hơn là điều không thể tránh khỏi. Để bù đắp khoản chi phí này, doanh nghiệp phải tiết kiệm tối đa các chi phí khác trong chuỗi sản xuất với mục tiêu cuối cùng là không đẩy giá thành sản phẩm tăng lên. Trong trường hợp đã tiết kiệm tối đa mà giá thành vẫn tăng lên thì doanh nghiệp đành chấp nhận bù lỗ để duy trì giá bán bình ổn. Trước đó, để giữ khách hàng và quy mô thị trường, doanh nghiệp đã hoạt động không có lãi.
Một số phân xưởng chế biến ngoài Tp. Hồ Chí Minh của Xuân Nguyên ứng phó bằng cách lắp đặt lò hơi, sử dụng nhiên liệu củi để sấy, thanh trùng sản phẩm nhằm giảm sử dụng điện. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể áp dụng lâu dài vì chi phí chất đốt cũng không rẻ, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, trước mắt doanh nghiệp cố gắng giữ được khách hàng truyền thống để đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất - chế biến mà Xuân Nguyên đã xây dựng hơn 20 năm và giữ được việc làm, thu nhập cho công nhân, nông dân vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp hy vọng kinh tế bớt khó khăn, người tiêu dùng nới lỏng chi tiêu để có thể điều chỉnh tăng dần giá bán. Với xuất khẩu, ngoài khách hàng truyền thống, doanh nghiệp cũng tích cực tìm các thị trường mới, thị trường ngách; đồng thời tính toán lại chi phí sản xuất để đàm phán giá bán tốt hơn trong thời gian tới.
Cùng chung quan điểm này, ông Văn Nguyên Vũ cho biết, giải pháp thích ứng của doanh nghiệp trước mắt là chấp nhận bù lỗ. Hiện tại Vít Việt chủ yếu cung ứng phần linh kiện cho các doanh nghiệp FDI bởi thị phần tại công trình, nhà máy Việt Nam hầu như không có. Ngay cả việc cung ứng cho khách hàng nước ngoài cũng rất khó bởi khách hàng luôn cân nhắc, so sánh giữa các nhà sản xuất khác nhau về chất lượng và giá cả. Tình hình đơn hàng đã khan hiếm mà doanh nghiệp tăng giá bán thì rất dễ mất khách.
Chia sẻ về vấn đề doanh nghiệp có định hướng đầu tư chuyển đổi nguồn năng lượng thay thế cho điện lưới quốc gia, cụ thể là điện mặt trời phục vụ sản xuất hay không, các doanh nghiệp cho biết, dù muốn nhưng không mấy khả thi.
Cụ thể, trước đây một số doanh nghiệp đã tận dụng các mái che nhà xưởng để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, điện mặt trời được hòa vào lưới điện quốc gia. Khi đó, doanh nghiệp vẫn sử dụng điện lưới quốc gia cho sản xuất và chỉ bù tiền phần điện sử dụng vượt công suất điện mặt trời, hoặc có thể bán phần điện dư cho EVN. Tuy nhiên, vấn đề là công suất điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết nên không đảm bảo sự ổn định cho dây chuyền sản xuất, dễ dẫn đến hư hỏng máy móc.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Đệ Khang Phú Thành nêu góc nhìn, doanh nghiệp sản xuất luôn được khuyến khích đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nhưng riêng năng lượng điện thì chỉ có một lựa chọn. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý, song đã đến lúc Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng hơn cho việc đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời…
End of content
Không có tin nào tiếp theo