Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân cần phát huy tinh thần dũng cảm, sáng tạo vượt qua thách thức

DNVN - Doanh nhân cần tiếp tục phát huy tinh thần dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt, hợp tác, liên kết để vượt qua thách thức và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nhà khoa học nữ Trường Đại học Cần Thơ đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 / Cần Thơ: Ra mắt Công ty CP đầu tư Go Global và công bố các dự án phục vụ cộng đồng

Ngày 6/10, Chương trình kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 3/10/2024) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tại TP Cần Thơ.

j

Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 3/10/2024).

Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, quy mô nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng gấp 2-2,5 lần so 2021; tăng trưởng bình quân 2021-2030 đạt 6,5-7%/năm; tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân đầu người/năm là 146 triệu đồng.

Theo VCCI chi nhánh ĐBSCL, năm 2023 vùng có trên 15.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng bên cạnh đó cũng có 14.800 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tức chỉ có thêm 190 doanh nghiệp tham gia thị trường. Trong khi con số này những năm trước là hơn 1.000 doanh nghiệp. Vốn tư nhân đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội của ĐBSCL cũng thấp hơn các vùng khác rất nhiều. Do đó, việc cần thêm nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng để có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới là vô cùng cần thiết, không để tụt lại phía sau với thời đại.

Phát biểu tại chương trình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ về tinh thần kinh doanh của người Việt và quá trình ra đời và phát triển của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

Sau đổi mới, Việt Nam dần công nhận và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, Chính phủ đã có những động thái mời gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án lớn, thể hiện sự tin tưởng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay đang thể hiện một tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ, sáng tạo và linh hoạt, luôn tìm cách vượt qua các rào cản để hoạt động. Họ biết cách hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển, thay vì chỉ dựa vào bản thân.

Chuyên gia kinh tế

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI.

Mặc khác, về tinh thần kinh doanh và năng lực của doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng hết sức tin tưởng. Bà kêu gọi doanh nhân cần tiếp tục phát huy tinh thần dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt, biết hợp tác, liên kết để vượt qua thách thức và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp và đóng góp ý kiến để Chính phủ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn.

ĐBSCL được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Khu vực này cũng được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây.

Tại chương trình, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Chi nhánh ĐBSCL cho biết, cách đây 20 năm, ngày 13/10/2004 được Thủ tướng Chính phủ chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh những đóng góp của giới kinh doanh mà trước đây Bác Hồ đã đặt tên là giới Công – Thương gia.

"Ở ĐBSCL, không ít doanh nghiệp qua mỗi thập niên, mỗi giai đoạn có thành công, phát triển vượt bậc, nhiều tên tuổi đã vươn xa, tham gia vào tốp những doanh nghiệp hùng mạnh của quốc gia như: gạch Đồng Tâm, tôm Minh Phú, thuỷ sản Sao Ta, gạo Lộc Trời, dược Hậu Giang, cá tra Vĩnh Hoàn... hay đủ sức cạnh tranh toàn cầu bởi công nghệ sáng tạo và năng lực quản lý như hoá chất Mỹ Lan, cảng Long An... đã làm rạng rỡ hình ảnh vùng đồng bằng châu thổ, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước.

Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm và tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các chính sách thời gian qua được thiết lập nhằm hướng đến tạo sự công bằng và một môi trường kinh doanh bình đẳng. Đó là một nền tảng để phát triển bền vững", ông Lam nói.

Thời gian tới đây doanh nghiệp, doanh nhân của ĐBSCL tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ nhà nước, từ xã hội để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Thúy Ái
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm