Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam: nơi chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo công nghệ

Sau một thời gian dài nỗ lực, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam - VST chính thức ra mắt vào đầu tháng 10/2019 tại Hà Nội. Đây được coi là ngày hội của các doanh nghiệp KH&CN.

Áp lực khi người Thái 'mạnh tay' rót vốn vào Việt Nam / Mercedes-Benz là hãng xe sang bán chạy nhất thế giới trong năm 2020

Ra mắt Ban vận động thành lập VST tháng 11/2018.

Ra mắt Ban vận động thành lập VST tháng 11/2018.


Tạo “cầu nối” cho các doanh nghiệp KH&CN

Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm đối với doanh nghiệp KH&CN với mong muốn đây sẽ là “đầu tàu” thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, do số lượng còn khiêm tốn, chưa có sự gắn kết chặt chẽ cũng như các hoạt động kết nối nên cộng đồng doanh nghiệp KH&CN chưa lớn mạnh như kỳ vọng.

Từ những trăn trở đó, Bộ KH&CN đã giao nhiệm vụ cho Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (đơn vị thuộc Bộ) cùng một số doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VST). Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP KH&CN Việt Nam (Busadco) được phân công là Trưởng ban, đã bước đầu tập hợp được gần 50 doanh nghiệp tham gia VST. Hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn cuộc sống. Mục đích của Hiệp hội là tập hợp, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong sản xuất, kinh doanh; đoàn kết tương trợ, kết nối hiệu quả với các nhà khoa học, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Hiệp hội còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; hỗ trợ tư vấn pháp lý, hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp KH&CN…

Đặc biệt, Hiệp hội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tới doanh nghiệp KH&CN; tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, tọa đàm, đối thoại, hỏi đáp chính sách giữa các thành viên của Hiệp hội với Bộ KH&CN cùng các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác có liên quan. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN (cơ quan bảo trợ) và các bộ/ngành khác có liên quan về ngành, lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong ngày ra mắt, VST sẽ tiến hành Đại hội lần đầu tiên của Hiệp hội và bầu ra Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban lãnh đạo với nhiệm kỳ 5 năm. Tiếp theo, Đại hội sẽ tiến hành thảo luận về các vấn đề liên quan đến điều lệ, phương hướng hoạt động cụ thể của Hiệp hội. Tại buổi lễ ra mắt Ban vận động thành lập VST (tháng 11/2018 tại Đà Nẵng), Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã bày tỏ mong muốn: “Hiệp hội sẽ là cầu nối hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng”.

Các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ban vận động thành lập Hiệp hội, các doanh nghiệp đã thể hiện sự quyết tâm cao và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp với mong muốn Hiệp hội phát triển xứng tầm. Bà Nguyễn Thị Hương Liên (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương) cho rằng, nên gắn mọi hoạt động của Hiệp hội với chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững. Theo bà Liên: “KH&CN là nền tảng phát triển bền vững. Song song với đó KH&CN phải gắn với thị trường và Marketing. Làm sao để doanh nghiệp KH&CN phải có yếu tố dẫn dắt thị trường”. Ông Nguyễn Ngọc Huấn (Giám đốc chiến lược Công ty CP Tiến Nông) đã đưa ra công thức “Doanh nghiệp KH&CN = Doanh nghiệp + KH&CN tiên phong”. Lực lượng doanh nghiệp KH&CN tiên phong này phải xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng KH&CN tiên tiến”.

Ngay từ khi “thai nghén”, VST đã được xác định là nơi quy tụ các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các thành viên tham gia VST là cùng chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu cho nền KH&CN Việt Nam, xây dựng được “văn hóa” người Việt Nam dùng sản phẩm KH&CN của Việt Nam. Và đặc biệt, Hiệp hội sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp KH&CN đi theo hướng “Làm chủ thị trường - Tự cường công nghệ”. Chia sẻ về sự ra đời của VST, ông Hoàng Đức Thảo (Trưởng ban vận động thành lập VST) cho biết: “Để đi được đến ngày ra mắt và tiến hành đại hội VST, có sự đóng góp quan trọng của Bộ KH&CN. Sự tin tưởng và đồng hành của Bộ KH&CN nói chung, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN nói riêng, đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, niềm tin. Và chúng tôi quyết tâm định hướng mọi hoạt động của Hiệp hội sẽ là một sân chơi bình đẳng của các doanh nghiệp KH&CN, là nơi chắp thêm cánh cho những ý tưởng sáng tạo công nghệ, góp phần khẳng định và tỏa sáng trí tuệ Việt, công nghệ Việt trên trường quốc tế”
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm