Doanh nghiệp - Doanh nhân

Lai Châu: Cần có định hướng bài bản để phát triển du lịch cộng đồng

DNVN - Với lợi thế có địa hình tự nhiên hoang sơ, sở hữu thắng cảnh thiên nhiên có giá trị, cùng với bản sắc văn hóa đặc trưng của 20 dân tộc anh em. Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch hang động.

Bỏ túi danh sách những điểm nên đến khi tham quan xứ Huế dịp 30/4-1/5 / Nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn tại Công viên nước Hồ Tây dịp 30/4 - 1/5

Lợi thế để phát triển du lịch Lai Châu

Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có quốc lộ 4D, 32, 12, 279 nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Sơn La - Lào Cai - Yên Bái, có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách tới Lai Châu.

Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách tới Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Hào

Là tỉnh miền núi với địa hình đồi núi, sông suối, Lai Châu là nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh thắng có giá trị như: động Pusamcap, Tiên Sơn, thác Tác Tình, cảnh quan dọc Sông Đà, cao nguyên Sìn Hồ, Dào San, đỉnh Putaleng (3.049m), đỉnh Bạch Mộc Nương Tử (3.045m)… Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống nên có sự đa dang, phong phú trong văn hóa bản địa từ lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà đến làn điệu dân ca dân vũ... Ngoài sự giao thoa về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên Lai Châu còn là mảnh đất có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa, thân thiện và mến khách… Đó là những điều kiện thuận lợi để Lai Châu khai thác phát triển loại hình du lịch như: tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu văn hóa, và đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển thành công ở một số địa phương của tỉnh.

Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói, mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế và được Chính phủ xếp trong 8 mũi nhọn kinh tế chủ lực của đất nước. Trong những năm qua, du lịch Lai Châu đã và đang có sự phát triển, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, du lịch Lai Châu phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thiếu sự đầu tư trọng điểm nên chưa có nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, trong sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đón 282.504 lượt khách nội địa, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 60,1% so với kế hoạch năm 2021. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt là 188,828 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 61,6% so với kế hoạch năm 2021.

Nguyên nhân lĩnh vực tăng trưởng chậm là do Covid-19 khiến cho tổng doanh thu hoạt động du lịch giảm, tổng lượt khách lưu trú chỉ đạt từ 30% - 40%.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa được triển khai đa dạng, hấp dẫn về cả nội dung và hình thức, một số chương trình quảng bá xúc tiến thường niên không triển khai thực hiện như: Hội chợ VITM, Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình tour Caravan.

Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nên sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú, thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động.

Trong bối cảnh ngành du lịch thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của đại dịch Covid-19, nhưng Lai Châu được đánh giá một điểm đến hấp dẫn, an toàn và độc đáo của du lịch Việt Nam. Lai Châu cũng có tiềm năng phát triển du lịch khám phá, du lịch hang động, du lịch cộng đồng.

Du khách tới trải nghiệm Tết ở bản Mông Sin Suối Hồ.

Du khách tới trải nghiệm Tết ở bản Mông Sin Suối Hồ.

Sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa cộng đồng

Xác định rõ những tiềm năng thế mạnh vốn có, tỉnh Lai Châu đã kết hợp những điều kiện tự nhiên thuận lợi và các giá trị văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn để làm du lịch.

Sắc màu văn hóa độc đáo của 20 dân tộc ở Lai Châu tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch ưa trải nghiệm văn hóa. Hiện nay, tỉnh đang tập trung khai thác và quảng bá một số điểm du lịch cộng đồng trọng điểm như bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ), bản Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, bản Thẳm, bản Phiêng Tiên…(huyện Tam Đường), bản San Thàng, bản Gia Khâu (thành phố Lai Châu),…Mỗi bản làng, người dân lại có những cách làm khác nhau, khai thác thế mạnh và phát huy sự riêng biệt của mỗi dân tộc để tạo ra những điểm nhấn thu hút du khách.

Bản Sin Suối Hồ hiện nay có thể phục vụ gần 300 khách lưu trú, khoảng 500 khách ăn uống mỗi ngày. Bản có các homestay, hợp tác xã, bungalow khá đa dạng tạo nhiều lựa chọn cho du khách. Bản Sì Thâu Chải khai thác vị trí thuận lợi trên đỉnh thác Tác Tình để đẩy mạnh các dịch vụ phụ trợ phục vụ khách bay dù lượn. Bản Thẳm chú trọng đến phục vụ khách yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống, ẩm thực dân tộc Lự. Bản Lao Chải 1 được biết đến như "vườn địa đàng" nơi biên viễn. Bản San Thàng gắn với các hoạt động của chợ phiên San Thàng đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi đến Lai Châu….

Không chỉ được tìm hiểu về văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Lai Châu hiện nay còn đang trở thành một địa chỉ "phải đến" dành cho những du khách yêu thiên nhiên, ưa mạo hiểm, leo núi. Những đỉnh núi cao như Bạch Mộc Lương Tử, Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ…luôn là những thử thách vô cùng hấp dẫn. Con đường đá cổ Pavi nối hai huyện Phong Thổ (Lai Châu) và Bát Xát (Lào Cai) đang trở thành một điểm thu hút đặc biệt với mọi du khách.

Khám phá nét văn hóa độc đáo của người đồng bào miền núi hấp dẫn du khách.

Khám phá nét văn hóa độc đáo của người đồng bào miền núi hấp dẫn du khách.

Cần có định hướng bài bản để phát triển du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh định hướng gắn với loại hình du lịch cộng đồng của Lai Châu. Hầu hết các điểm bản đều nằm ở vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc đầu tư khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn để phát triển du lịch còn rất hạn chế. Hiện nay, hệ thống đường giao thông của một số địa phương vẫn còn chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp dẫn tới việc khó tiếp cận với điểm du lịch (các điểm Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1..). Các điểm du lịch chưa xây dựng hệ thống sản phẩm đặc thù. Một yếu tố quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong hoạt động du lịch cộng đồng của người dân còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…

Trước những khó khăn, thách thức lớn, nhưng du lịch Lai Châu vẫn đang có những bước tăng trưởng bền vững và đáng khích lệ. Điều quan trọng nhất, du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng ở Lai Châu đã biết phát huy giá trị cốt lõi chính là lấy người dân làm gốc, làm trung tâm để phát triển. Chính những yếu tố như sự độc đáo của bản sắc văn hóa, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian, bản tính nhiệt tình, thân thiện, hiếu khách của mỗi cộng đồng đã giúp du lịch Lai Châu để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Tuy phải cạnh tranh với các địa phương lân cận có điều kiện, sản phẩm tương đồng, nhưng du lịch Lai Châu vẫn luôn được đánh giá cao bởi sự khác biệt, riêng có đầy hấp dẫn.

Mục tiêu lâu dài của Lai Châu là hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch trở thành một hướng đi phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương. Đồng thời, cần đảm bảo cân bằng, hài hòa với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hệ sinh thái tự nhiên của vùng Tây Bắc.

Lai Châu cần có định hướng bài bản để khai thác hết tiềm năng các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại bản Hon, bản San Thàng, bản Gia Khâu, bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo; chợ phiên tại San Thàng, chợ Dào San, chợ thị trấn Sìn Hồ. Tổ chức các tuor tham quan danh lam thắng cảnh động Pusamcap, động Tiên Sơn, núi Đá Ô, đèo Hoàng Liên, động Gia Khâu…; du lịch làng nghề hợp tác xã Nà Cang, làm bánh dân tộc Giáy – San Thàng; du lịch tâm linh (Bia và đền thờ Vua Lê Thái Tổ); du lịch nông nghiệp khu vực Tam Đường, Tân Uyên; du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát…; du lịch mạo hiểm Putaleng; Bạch Mộc Nương Tử…

Tô Thị Hồng Lê (Trường Chính trị tỉnh Lai Châu)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm