Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tháng 9/2021 là thời điểm “quyết định” để “cứu nguy” cho doanh nghiệp

DNVN – Theo nhận định của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, khả năng giải thể rất cao. Tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho hai nhóm doanh nghiệp nếu có sự hỗ trợ của chính quyền sở tại.

Số liệu thống kê tháng 8 chưa phản ánh đúng lượng doanh nghiệp thực tế rút khỏi thị trường / Đà Nẵng: Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng

69% DN phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 68.000 tỷ đồng, giảm 34,1% về số DN và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số DN giảm 57%; số vốn đăng ký tăng 54,9%.

Mới đây, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của DN và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát online, số DN “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890 DN). Số DN cố gắng “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương với 3.355 DN). Số DN “Giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương với 3.272 DN).

: Lý do khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bùng phát (%).

Lý do khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bùng phát.

Trong nội dung khảo sát về lý do khiến các DN phải tiến hành tạm ngừng hoạt động thời gian qua thì có gần 32,5% DN trả lời là “tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát”, gần 2,5% DN “buộc phải đóng cửa do có người bị nhiễm COVID-19 (F0)”, hơn 6% DN buộc phải ngừng hoạt động theo yêu cầu khi áp dụng Chỉ thị 15, 16/16+ của các tỉnh/thành phố nơi DN đăng ký hoạt động. Và lý do tạm đóng cửa do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 35,4%.

Dự kiến khoảng thời gian doanh nghiệp tạm thời đóng cửa (%).

Dự kiến khoảng thời gian doanh nghiệp tạm thời đóng cửa (%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ DN “Buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương” cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các DN không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các đối tác.

Trong bối cảnh nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, khi được hỏi về thời gian dự kiến đóng cửa tạm thời trong bao lâu, có gần 45% đơn vị cho biết “không dự tính được”. Điều này cho thấy các DN hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.

Thời điểm “quyết định” để “cứu nguy”

Dòng tiền được ví như “máu” của DN. Với tình trạng dịch bệnh biễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, đóng băng đã làm cho các DN đang cạn dần nguồn oxi nuôi "máu" để duy trì hoạt động.

Theo khảo sát, tỷ lệ DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền giúp đơn vị duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các DN đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dự kiến (%).

Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dự kiến (%).

Bên cạnh đó, đối tượng hộ kinh doanh đang là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”. Tỷ lệ này theo loại hình DN tư nhân, công ty Trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần của Việt Nam là 39,5%; ở loại hình DN nhà nước là 30%; còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài là 23,5%.

Từ những số liệu trên, Ban IV cho rằng, nếu các DN tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao. Có thể khẳng định, DN “tạm ngừng hoạt động do dịch” có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

Bên cạnh đó, nếu nhóm DN đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” lại chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ “1 đến dưới 3 tháng” mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly/giãn cách thì xác suất các đơn vị này rơi vào nhóm giải thể cũng rất cao, vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.

Cũng theo Ban IV, tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho hai nhóm DN nêu trên nếu chính quyền địa phương có thể hỗ trợ họ vận hành trở lại hoạt động, hoặc tự thân các DN tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm