Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người trẻ với hoài bão đem cà phê sạch tới người tiêu dùng

Với mong muốn đem cà phê sạch đến với người tiêu dùng, tăng giá trị nông sản của nhà nông, nhiều năm qua chị Lưu Thị Thùy Trang (SN 1992, Giám đốc Pró Farm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã vận động và liên kết với nhiều nông hộ trồng cà phê theo hướng hữu cơ.

IPSTAR 2023: Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo nhận giải TOP 1 Chủ đơn có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích / Giám đốc Quảng Thái Đà Lạt nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2023

Liên kết vườn trồng cà phê hữu cơ, không sợ mất giá

Những ngày cuối tháng 11/2023, nhiều nông hộ tất bật dọn vườn, trải bạt, gọi công chuẩn bị thu hoạch cà phê. Đưa tay chỉ những cây cà phê trĩu quả, ông Nguyễn Ngọc Ninh (SN 1967, ngụ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) nói: “Năm nay vườn cà phê 1,7ha trồng theo hướng hữu cơ của gia đình tôi cho khoảng 30 tấn. Với giá do Pró Farm hợp đồng bao tiêu 13.000 đồng/kg quả tươi, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 300 triệu đồng”.

Người trẻ với hoài bão đem cà phê sạch tới người tiêu dùng

Ông Nguyễn Ngọc Ninh bên vườn cà phê hữu cơ chuẩn bị thu hoạch.

Theo ông Ninh, nhiều năm qua người trồng cà phê tại xã Lạc Xuân, thường ứng trước tiền của thương lái để đầu tư phân bón, thuốc…, nên buộc phải bán cho họ kể cả quả cà còn xanh (chưa chín), dẫn đến thu nhập thấp. Do đó khi được chị Lưu Thị Thùy Trang (SN 1992, Giám đốc Pró Farm) vận động trồng, thu hoạch cà phê theo mô hình hữu cơ, gia đình ông Ninh tham gia vào chuỗi liên kết với Pró Farm để yên tâm chăm sóc cây, không phải lo giá bán.

Tương tự, ông Tằng Cắm Phúc (SN 1977, ngụ xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) cho biết, sau khi được Pró Farm tư vấn trồng cà phê hữu cơ, năm 2018 gia đình ông trồng 7ha, đến năm 2022 thu bói được 40 tấn, bán với giá bao tiêu 13 triệu đồng/tấn quả tươi, thu về hơn 500 triệu đồng.

“Năm nay thu hoạch ước đạt trên 50 tấn, hiện giá 15.000 đồng/kg quả tươi, nhưng không cố định vì thị trường mua bán theo đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ. Do đó với giá đã ký hợp đồng 13.000 đồng/kg, gia đình tôi cầm chắc trong tay gần 700 triệu đồng”, ông Phúc nói.

Chị Lưu Thị Thùy Trang cho biết, hiện giá cà 15.000-16.000 đồng/kg, chúng tôi ký hợp đồng với nông hộ trồng cà phê hữu cơ với giá cố định 13.000 đồng/kg từ đầu đến cuối vụ. Do đó, nếu giữa vụ hay cuối vụ, thương lái có hạ giá xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg, nông dân cũng không lo lắng vì vẫn lời.

Cũng theo chị Trang, trước kia người trồng cà phê thu hoạch cà theo kiểu truyền thống là thường hái tuốt, hái cả quả chín lẫn xanh. Cách thu hoạch này tốn ít công, chi phí thuê hái thấp, thu nhanh nhưng gây ra nhiều thiệt hại. Bởi vì quả xanh có trọng lượng nhẹ hơn so với quả chín (bình quân nhẹ hơn 15%-30%). Quả xanh luôn nhỏ và không đồng đều bằng quả chín. Khi chế biến thành cà phê nhân sẽ bị teo, hạt xấu, chất lượng thấp, giá bán thấp, giảm thu nhập của người trồng.

 

Trồng cà phê sạch giúp tăng năng suất, chất lượng, giá

“Nếu tỷ lệ hao hụt chỉ ở mức 15%, một vườn cà phê thu 100 tấn, sản lượng hao hụt là 15 tấn. Với giá bán bình quân hiện nay khoảng 57.000 đồng/kg quả khô (khoảng 5-5,5kg quả tươi cho ra 1kg quả khô), người trồng mất gần 900 triệu đồng/vụ thu hoạch. Còn nếu tỷ lệ hao hụt 20%, sẽ mất hơn 1,1 tỷ đồng. Không những vậy còn làm cho cây dễ thoái hóa, vòng đời và chất lượng thấp, ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung, giảm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới”, chị Trang phân tích.

Người trẻ với hoài bão đem cà phê sạch tới người tiêu dùng

Anh Trần Duy Bình, nhân viên Pró Farm bên sản phẩm cà phê hữu cơ.

Đối với cà phê sạch, chỉ hái quả chín, nặng hơn khoảng 15%-30% so với quả xanh. Khi chế biến thành cà phê nhân, quả chín sẽ cho hạt to, chất lượng cao, giá bán cao hơn, tăng thu nhập cho người dân. Vì cà phê chín chỉ từ 4-4,5kg quả tươi đã được 1kg nhân, còn quả xanh xen lẫn chín, phải cần từ 5-5,5 kg quả tươi mới cho 1kg cà phê nhân.

Với tư duy như trên, từ năm 2018-2019 Pró Farm đã trồng cà phê hữu cơ trên 10ha, đồng thời vận động nhiều nông hộ trong vùng cùng trồng. Để trồng theo mô hình này, phía dưới mặt đất trồng cỏ lạc, tầng thứ hai là cà phê, tầng ba trồng các loại cây có tán che bóng mát (muồng đen, bơ, hồng….). Đến nay, mô hình cà phê hữu cơ của Pró Farm đã tạo được chuỗi liên kết trồng, thu mua, chế biến sâu và tiêu thụ với 10 nông hộ ở huyện Đơn Dương trên diện tích 100ha.

 

Lâm Đồng khuyến khích phát triển cà phê hữu cơ

Theo Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 11/2020 UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 47,8ha cà phê của 4 đơn vị được chứng nhận cà phê hữu cơ. Cùng với đó, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và nông dân đang từng bước chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, để tiến tới đạt chứng nhận.

Người trẻ với hoài bão đem cà phê sạch tới người tiêu dùng

Em Tằng Văn Vềnh (con ông Tằng Cắm Phúc) vui mừng vì vụ cà phê 2023-2024 của gia đình trồng theo hướng hữu cơ sẽ thu khoảng 60 tấn.

Tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2023” tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 4/2023 (cuộc thi toàn quốc do Hiệp hội cà phê Việt Nam tổ chức), tỉnh Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia. Kết quả HTX Hoa Linh Coffee ở thôn 5 (xã Tân Châu, huyện Di Linh) và Pró Farm ở thôn Pró Ngó (xã Pró, huyện Đơn Dương) lọt vào top 10 cuộc thi.

Ông Bùi Ngọc Thụy - Phó Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện đề án phát triển NNHC, Sở luôn khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT, nông hộ sản xuất cà phê hữu cơ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chứng nhận các sản phẩm hữu cơ gắn với chương trình OCOP, nhằm quảng bá hình ảnh cà phê hữu cơ của Lâm Đồng.

 

“Hiện nay, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ nông dân thực hiện 2 mô hình điểm về sản xuất cà phê hữu cơ (quy mô 1ha/mô hình), hỗ trợ 70% kinh phí mua vật tư thực hiện mô hình, 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho mô hình điểm với diện tích tối thiểu 5ha/mô hình. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ 100% kinh phí cấp chứng nhận hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê trên địa bàn có nhu cầu và đạt tiêu chuẩn chứng nhận. Hỗ trợ cho chủ trì chuỗi liên kết 100% chi phí xây dựng dự án với mức không quá 50 triệu đồng/liên kết”, ông Bùi Ngọc Thụy cho biết.

"Cà phê là cây trồng chủ lực của Lâm Đồng, diện tích canh tác đứng thứ hai cả nước sau Đắk Lắk. Năm 2022, diện tích là 172.483ha (cà phê vối 160.133ha, cà phê chè 12.150ha, cà phê mít 200ha). Diện tích cà phê kinh doanh 162.572ha, năng suất bình quân 32,7 tạ/ha, sản lượng 532.373 tấn. Sản phẩm cà phê chủ yếu xuất khẩu qua các nước: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... Năm 2022, cà phê nhân xuất khẩu của Lâm Đồng đạt trên 90 nghìn tấn, giá trị đạt trên 180 triệu USD", ông Bùi Ngọc Thụy chia sẻ.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm