Người xây thương hiệu quốc tế cho thủ công tinh hoa Việt
3 người phụ nữ giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản 'khủng' cỡ nào? / Nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới tự cách ly trong biệt thự tại Mỹ
Tự nhận mình không phải người có thiên bẩm về thời trang hay cầu kỳ trong cách ăn mặc, bà Nguyễn Thị Nhung, đồng sáng lập Hanoia, thường nhắc đến chữ duyên trong cuộc sống cũng như trên hành trình xây thương hiệu quốc tế cho thủ công tinh hoa Việt.
Hanoia là một thành viên của Openasia - tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu từ những nhãn hàng nổi tiếng như Hermès, Hugo Boss, Kenzo, Atelier, Korloff, Chopard , B&O cùng xe hơi Audi và Starbucks.
Khi được chọn trở thành đơn vị phân phối độc quyền ở Việt Nam của một số hãng xa xỉ, trong đó có Hermès, bà Nhung đã cảm thấy rất sốc với mức giá của các sản phẩm, cảm thấy có gì đó "sai sai".
Ba đồng sáng lập Openasia cùng Chủ tịch của Patek Philippe SA (người đeo kính)
Nhưng rồi bà cũng dần nghiệm ra khi được nghe giải thích, được hiểu rõ từng đường kim, mũi chỉ, biết rằng giá trị của nghề thủ công được các nhãn hàng tôn vinh, trân quý trong từng sản phẩm.
Công việc thủ công không thuần tuý về kiến thức mà là sự kết nối giữa trái tim và đôi bàn tay của nghệ nhân, đằng sau đó là cả một câu chuyện đẹp.
Một ngày, Hermès gọi cho bà thông báo xưởng sản xuất sơn mài Thiên Hồng vận hành dưới hình thức gia công cho các hãng xa xỉ nước ngoài ở Bình Dương do một nhà thiết kế Pháp sáng lập đang tìm người mua lại xưởng.
Bà Nhung liền bày tỏ mong muốn tiếp quản, và rồi trở thành trường hợp duy nhất trên thế giới “đội hai mũ” khi vừa là nhà phân phối, vừa là nhà gia công các sản phẩm cho Hermès.
Lần đầu tiên gia công cho hãng thời trang hàng đầu thế giới, bà Nhung đã rất ngạc nhiên vì một loạt sản phẩm bị loại bỏ.
Sang thăm trung tâm kiểm soát chất lượng của Hermès ở Paris (Pháp), bà mới vỡ oà trước sự kỹ càng trong kiểm soát chất lượng từng chi tiết.
Sau này, bà cũng được học rất nhiều thứ liên quan đến quan điểm và tư tưởng của phương Tây về cái đẹp, rất cầu kỳ và duy mỹ. Tuy nhiên, cũng có những điều Hermès lắng nghe từ bà để điều chỉnh, bớt khắt khe trong quá trình chọn hàng.
Một ngày,Hermèsgợi ý cho bà tạo một “nồi cơm” thứ hai với việc tự xây nên thương hiệu của chính mình thay vì chỉ làm để xuất khẩu cũng như phụ thuộc hoàn toàn vào đơn hàng của hãng. Bà vỡ oà, nhanh chóng bàn bạc với hai đồng sáng lập là ông Đoàn Viết Đại Từ và ông Christian De Ruty và rồi ngay lập tức nhận được sự đồng ý.
Vào thời điểm đó, họ cũng đang muốn xây một thương hiệu riêng của Việt Nam dựa trên mấy chục năm kinh nghiệm làm việc với các hãng xa xỉ trên thế giới.
Đó cũng là thời điểm Thiên Hồng phát triển quá nhanh, đồng thời với việc một sốthương hiệugiảm dần phần sơn mài.
Với tư duy bình thường, các đơn vị sẽ giảm nhân công trong khi Openasia xác định giá trị được đề cao ở tập đoàn này là con người, niềm vui và hạnh phúc. Việc duy trì công ăn việc làm cho các nghệ nhân cũng là một cách để góp phần giữ gìn các làng nghề truyền thống.
Đáng ngạc nhiên, Hermès còn cho chuyên gia có tới hai thập kỷ kinh nghiệm sang Việt Nam tư vấn, đồng hành xây dựng chiến lược sản phẩm cho Hanoia trong suốt bốn năm trời từ những ngày đầu tiên.
Trong tuần lễ văn hoá phố cổ tháng 11/2016, Hanoia - cái tên được định nghĩa như một thái độ yêu say nồng và mê đắm, xuất hiện lần đầu tiên ở ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hà Nội) qua một triển lãm ảnh mang tên “Câu chuyện sơn mài Hanoia”.
Đến tháng 12/2016, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội đã ký quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với các sản phẩm thủ công truyền thống của Hanoia House tại không gian di sản Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào (Hà Nội).
Đến nay, Hanoia có tám cửa hàng, trong đó có bảy cửa hàng ở Hà Nội, cửa hàng còn lại đặt ở TP. HCM.
Trên thực tế, một nửa của Hanoia đến từ dự án nghiên cứu về làng nghề ở Việt Nam nên thương hiệu này không chỉ chế tác sơn mài mà còn có nhiều ngành thủ công mỹ nghệ với các chất liệu khác nhau như đồng, giấy gió,… được cung cấp từ cáclàng nghề truyền thống, tạo nên một cụm làng nghề cộng sinh.
Dù bản chất là hàng tiêu dùng, không phải hàng nghệ thuật nhưng các sản phẩm của Hanoia vẫn luôn rất tinh tế, được thực hiện với một tiêu chuẩn cao nhất, hoà quyện giữa chất liệu, cách làm truyền thống và phương thức hiện đại mang tính cải tiến và hơi thở của thời đại.
Với Hanoia, nếu sản phẩm thuần trang trí mà không có công năng thì giá trị thấp hơn rất nhiều và khách hàng cũng không có động lực để quay trở lại.
Một lọ hoa phải cắm được hoa, một hộp trà phải đựng được trà, nghe rất “ngớ ngẩn” nhưng trên thực tế không phải ai cũng làm được.
Ngoài bản thiết kế, đằng sau mỗi sản phẩm còn là câu chuyện của bản thiết kế, của chất liệu, câu chuyện của người làm ra nó. Một sản phẩm khi tạo ra phải mang nhiều giá trị, từ tinh thần, công năng, thẩm mỹ đến địa vị.
“Một người phụ nữ Tây Tạng từng đến văn phòng của tôi. Khi nhìn thấy một bình hoa rất đẹp có hình hai con chim, chị ấy bảo nhìn kỹ sẽ thấy chim mẹ đang nói chuyện với chim con, đồng thời con chim bé cũng ngước lên lắng nghe, dường như đó là cái mà thế giới hiện đại bây giờ đang mất đi - khả năng lắng nghe bằng sự thấu hiểu. Chị ấy đặt vấn đề, Nhung có cách nào bằng hình ảnh hay phương thức nào đó lan toả những thông điệp như thế không”, đồng sáng lập Hanoia chia sẻ.
Bà Nhung cho biết khi thành lập, Hanoia đã nhận được rất nhiều yêu thương. Sau hơn 20 năm gia công, Openasia cuối cùng cũng làm nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính mình sản xuất nên Hanoia luôn nằm ở vị trí trung tâm, được xem là một đứa con cưng trong tập đoàn, ai cũng sở hữu bằng được một sản phẩm của Hanoia, như câu chuyện của một người cả đời đi buôn máy móc vẫn rất yêu nghệ thuật.
Bà Nhung khẳng định, những gì Hanoia có hiện nay đã vượt qua sự mong đợi của chính bà. Dù còn là một thương hiệu rất trẻ nhưng các sản phẩm của Hanoia đã đến được với rất nhiều nguyên thủ quốc gia, đã có mặt khắp nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, Hanoia hiện là đối tác của những doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vingroup, SSI…
“Nhiều đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp, đã nói rằng khi phải tìm một món quà để tặng cho nguyên thủ sẽ nghĩ ngay đến Hanoia”, bà Nhung tự hào chia sẻ tại sự kiện CSMO Talk với chủ đề "Nâng tầm thủ công tinh hoa Việt"do Câu lạc bộ Giám đốc bán hàng và marketing (CSMO) tổ chức.
Dù vậy, bà Nhung cho biết Hanoia còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là làm thế nào để hướng đến lợi ích của người dùng, để họ được sở hữu những sản phẩm cao cấp nhưng với mức giá phải chăng.
Đó là bài toán mà cả tập đoàn còn trăn trở. Nếu muốn không chỉ thoả mãn thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài thì cần một sự nỗ lực rất lớn.
Vào thời điểm mới ra mắt, Hanoia tự định vị mình là nhà chế tác thủ công xa xỉ nhưng sau đó tái định vị là nhà chế tác thủ công cao cấp để tránh sự cứng nhắc và hào nhoáng khiến mọi người giữ khoảng cách.
Trong những sản phẩm của Hanoia còn chứa đựng những câu chuyện về văn hoá, là sứ mệnh nâng tầm thủ công mỹ nghệ Việt trong con mắt của người Việt và khách hàng thế giới, đặc biệt qua không gian văn hoá Hanoia.
Có thể nói, mục đích tối thượng của những nhãn hàng cao cấp và xa xỉ là "giáo dục" (educate) khách hàng, để biến mình thành biểu tượng mơ ước của người tiêu dùng. Hanoia chấp nhận đi đường dài.
Thương hiệu này sẵn sàng kể những câu chuyện văn hoá cho mọi đối tượng nhưng không vì thế mà làm rẻ mình đi nhằm mục đích lợi nhuận. Họ vẫn luôn giữ một sự trân trọng với thương hiệu và với những người đã mua hàng. Các chương trình giảm giá vẫn được Hanoia áp dụng hai lần mỗi năm nhưng chủ yếu nhằm tri ân những khách hàng quen thuộc.
“Đến nay, số lượng khách hàng là người Việt chiếm khoảng 60-70%. Chúng tôi có tệp khách hàng đã dùng các thương hiệu xa xỉ do Openasia phân phối nên tiếp cận rất nhanh. Sau bốn năm, tất cả khách hàng đều quay lại với những phản hồi trân quý thương hiệu”, bà Nhung chia sẻ.
Nói về định hướng trong thời gian tới, bà Nhung cho biết, Hanoia vẫn luôn kiên định về chất lượng và thiết kế bởi đó là điểm mạnh rất hiếm công ty có được. Không chỉ chiếm trọn cảm xúc, trái tim của khách hàng và những nghệ nhân, Hanoia còn có được sự kết nối với những người làm chuyên môn là các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới.
Nhiều sản phẩm của Hanoia được thiết kế bởi bà Elizabeth de Roquefeuil - một giám đốc nghệ thuật người Pháp. Đầu năm 2020, ba nhà thiết kế Pháp đã phối hợp cùng Hanoia trong Tuần lễ thiết kế Bangkok (Thái Lan) và sau đó là triển lãm được tổ chức tại Paris.
Ở Việt Nam, Hanoia từ khi mới thành lập cũng đã kết hợp thành công với nhà thiết kế Công Trí trong bộ sưu tập Lãnh Mỹ A. Vào giữa năm ngoái, tác phẩm "Ranh giới" của nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê kết hợp với Hanoia đã được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng Guimet (Pháp).
Đáng chú ý, Hanoia sẽ hướng nhiều hơn đến các sản phẩm dành cho giới trẻ, đồng thời bước vào một vào thị trường cao cấp hơn là đồ nội thất.
“Chúng tôi đang tạo năng lượng mới cho thương hiệu. Đó là nơi mà một bạn trẻ rẽ ngang qua phố có thể tìm được cho mình cảm giác kết nối với sản phẩm. Sản phẩm nuôi dưỡng tinh thần sống, vì nó là một thế giới màu sắc, mang lại niềm vui cho cuộc sống, nó là sản phẩm của đôi bàn tay, sự kết nối trái tim. Tất cả tâm huyết của chúng tôi hiện đang xoay quanh câu chuyện này”, bà Nhung cho biết.
Bên cạnh cơ duyên và may mắn, đồng sáng lập Hanoia cho rằng, yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thương hiệu này là giấc mơ lớn. Nếu giấc mơ bé nhỏ thì cũng chỉ làm được những việc bé nhỏ.
Chẳng ai đánh thuế ước mơ, nên bà Nhung cùng cộng sự luôn mơ giấc mơ niềm tự hào của người Việt với sứ mệnh nâng tầm thương hiệu Việt, mang các sản phẩm cao cấp của Việt Nam ra thế giới thay vì chỉ mang các sản phẩm xa xỉ của thế giới về Việt Nam; đồng thời tạo nên sự hoà hợp tinh tế giữa cái đẹp hoa lệ của châu Âu và nét đẹp truyền thống Việt Nam.
“Các bạn trẻ ngày nay đã bắt đầu biết nghĩ đến những điều lớn lao, đặc biệt là sứ mệnh phụng sự, muốn sống thực sự chứ không chỉ tồn tại. Hãy dồn cho mình một giác mơ lớn. Biết được đích đến mình mong muốn thì sẽ có con đường đi, tất nhiên sẽ có nhiều vấp ngã và chông gai, phải chấp nhận”, bà Nhung nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo