‘Nữ hoàng’ Arabica
Gần 50 doanh nghiệp tham gia cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2023 / Giám đốc SNV Việt Nam: Cà phê Arabica Lạc Dương là đại diện tiêu biểu cho làn sóng cà phê đặc sản
Hơn 30 năm gắn bó với cà phê Arabica
Tôi gặp lại bà Võ Thị Thu Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại VOCo (VOCo) khi bà vừa cùng lãnh đạo công ty từ Nhật Bản trở về, sau chuyến mang cà phê đặc sản Lâm Đồng chinh phục người tiêu dùng “Đất nước mặt trời mọc”.
“Nữ hoàng” Arabica Võ Thị Thu Hạnh.
Biết bà từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp đến tham quan nhà máy chế biến cà phê VOCo tại thôn Đạ Đum, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Vừa bước vào bên trong, tôi như choáng ngợp trước hệ thống máy móc chế biến cà phê khổng lồ, nào băng chuyền, bể rửa, bể ủ, máy rang, máy xay, trống sấy, đóng bao, đóng gói…
Theo bà Hạnh, nhà máy chế biến cà phê của VOCo được xây dựng trên quy mô 1,6ha, với hệ thống công nghệ chế biến ướt hiện đại, khép kín nhập khẩu từ Colombia. Tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng là vốn liếng vợ chồng bà dành dụm sau hàng chục năm “lăn lộn” trong ngành cà phê.
Người phụ nữ nhỏ nhắn này kể, những năm 1990, vào mỗi vụ cà phê, bà cùng chồng trên chiếc xe máy cà tàng, bánh xe phải “độ” thêm dây xích để tăng độ bám vì đường đất đỏ trơn trượt, đèo dốc, rong ruổi khắp miệt Đạ Sar, Cầu Đất, Măng Lin… để thu mua cà phê cho bà con nông dân.
Bà được coi là “chị nuôi” cho hàng trăm hộ dân trồng cà phê nơi đây, vì đứng ra ứng trước từ cây giống, phân bón đến cơm áo gạo tiền, bao tiêu đầu ra sản phẩm... để bà con yên tâm gắn bó với cây cà phê Arabica đặc sản kết tinh từ vùng đất lành. Có lẽ cũng từ đó, bà Hạnh được người trồng cà phê và khách hàng tặng cho danh xưng là “Nữ hoàng” Arabica.
“Lúc đó chưa có nhà máy chế biến nên mình thu mua cà phê cho bà con rồi phải bán lại cho các công ty để chế biến, xuất khẩu. Mua dễ, bán khó do phải phụ thuộc vào đối tác, khách hàng. Nhiều đêm trằn trọc với câu hỏi “sao người ta làm được mình không làm được”, tôi bàn với chồng lập công ty xuất nhập khẩu, đầu tư máy móc chế biến để chủ động trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con, hướng đến mang hương vị cà phê chất lượng cao của quê mình chinh phục thị trường thế giới”, bà Hạnh kể.
Ký kết hợp tác giữa VOCo và đối tác Nhật Bản Aikai Group.
Thế là năm 2012, VOCo ra đời, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ chế biến đồng bộ, hiện đại. Từ đó, không chỉ bao tiêu cà phê Arabica cho hơn 300 hộ dân, với hơn 340ha khu vực Đà Lạt, Lạc Dương, mà còn mở rộng ra nhiều vùng khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với sản lượng khoảng 150 tấn/ngày, mùa cao điểm tổng sản lượng lên đến 14.000 tấn.
Mang cà phê đặc sản chinh phục thế giới
Theo bà Hạnh, phần lớn sản phẩm cà phê Arabica sau chế biến của VOCo được xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu, cũng như cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho đối tác của Starbucks. Tuy nhiên, để trở thành nhà cung cấp cho các đối tác nước ngoài không hề đơn giản.
Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh chúc mừng sự hợp tác của VOCo và Aikai Group để đưa cà phê đặc sản Lâm Đồng chinh phục gu cà phê người Nhật.
“Trước khi đến làm việc với mình, họ âm thầm lân la đến người dân, doanh nghiệp lâu nay buôn bán với mình để tìm hiểu năng lực, cung cách làm ăn. Sau đó phải vượt qua các bài test hết sức khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, công nghệ chế biến, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hợp quy… mới đi đến ký kết hợp tác lâu dài”, bà Hạnh chia sẻ.
Sau nhiều năm chuyên làm hàng xuất khẩu, mới đây, VOCo đã chính thức bắt tay với đối tác Nhật Bản là Công ty Aikai Group xây dựng thương hiệu cà phê V’AMOR COFFEE chuyên về các dòng cà phê rang xay được phối trộn từ các loại cà phê đặc sản của Lâm Đồng như Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất… để chinh phục gu cà phê của người Nhật. Đây là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh cà phê của “Nữ hoàng” Arabica và VOCo.
Để đáp ứng nhu cầu của phía đối tác Nhật Bản, tháng 5/2023, lãnh đạo công ty VOCo đã tổ chức chuyến đi 10 ngày nhằm khảo sát thị trường và thói quen tiêu thụ cà phê của khách hàng tại Nhật Bản.
Trong chuyến đi này, các chuyên gia cà phê của Voco đã ghé thăm hàng chục thương hiệu cà phê tại Tokyo và các thành phố lớn để khảo sát “gu” uống cà phê của người tiêu dùng “Đất nước mặt trời mọc”. Qua đó, đã có sự điều chỉnh cách rang xay phù hợp. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp với đối tác xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, bao bì hoàn toàn mới, phù hợp với khách hàng tại Nhật Bản – thị trường được đánh giá là “khó tính” hàng đầu thế giới.
“Tuy mới chính thức lên kệ tại một số siêu thị, đặc biệt là trở thành thương hiệu cà phê Việt Nam duy nhất được chuỗi nhà hàng Vietnamdeli lựa chọn để phục vụ người tiêu dùng Nhật Bản, V’AMOR COFFEE đã từng bước khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng”, Giám đốc VOCo chia sẻ.
Trong hơn 3 giờ trò chuyện với phóng viên, không dưới 5 lần bà Hạnh nhắc đến câu “xem hạt cà phê Arabica như con của mình”. Theo bà, có như vậy mới đặt trọn tình yêu thương, nâng niu, chăm bẵm, hiểu được cây cà phê đang cần gì, hạt cà phê khi nào có chất lượng tốt nhất...
V’AMOR COFFEE từng bước chinh phục người sành cà phê Nhật Bản.
Cũng chính vì vậy mà hơn chục năm trước, VOCo mới mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, để những hạt cà phê tươi được chế biến theo quy trình hoàn toàn khép kín, giúp lưu giữ đủ đầy hương vị kết tinh từ hương hoa, cây cỏ của “Xứ sở sương mù”, tạo nên điểm khác biệt độc đáo. Bên cạnh đó, với phương thức rang xay tiên tiến, sản phẩm cà phê của VOCo đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường.
Có lẽ cũng từ tình yêu và quyết tâm mang hương vị cà phê Arabica Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, chinh phục đối tác, khách hàng, người tiêu dùng trong và ngoài nước, nên sau hơn 30 năm gắn bó với hạt cà phê, nhân hiệu “Nữ hoàng” Arabica mà người trong ngành dành tặng cho bà Hạnh vẫn luôn còn được nhắc đến như minh chứng cho uy tín, chất lượng của thương hiệu cà phê VOCo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo