Hỗ trợ doanh nghiệp

Cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất chinh phục “gu” người Nhật

DNVN - Góp mặt tại sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống - thực phẩm được tổ chức tại Nhật Bản - Caferes Japan 2023, cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất của Lâm Đồng đã tạo ấn tượng tốt với đối tác và người tiêu dùng Nhật Bản.

Khởi động cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023 / Lần đầu tổ chức đấu giá cà phê đặc sản tại Vietnam Amazing Cup 2023

Bà Võ Thị Thu Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Voco – nhà chế biến cà phê tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết, vừa phối hợp với đối tác Nhật Bản tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm cà phê đặc sản tại sự kiện Caferes Japan 2023.

Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh (áo vest) đến dự và chúc mừng sự hợp tác giữa Công ty Aikai Group và Voco.

Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh (thứ 4 từ trái sang) đến dự và chúc mừng sự hợp tác giữa Công ty Voco và Aikai Group, để đưa cà phê đặc sản Lâm Đồng sang thị trường Nhật Bản.

Diễn ra trong 3 ngày đầu tháng 8, tại Tokyo, đây là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm (F&B) được tổ chức tại Nhật Bản. Sự kiện có sự tham gia của hơn 600 công ty từ Nhật Bản và các quốc gia, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tới tham quan.

Lần đầu "mang chuông đi đánh xứ người", Voco "chào sân" bằng các loại cà phê đặc sản của Lâm Đồng, như: Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất... Hàng trăm lượt khách mỗi ngày đã ghé tham quan gian hàng, thưởng thức các loại cà phê đặc sản và có nhiều đánh giá hết sức tích cực.

Theo bà Võ Thị Thu Hạnh, để đáp ứng nhu cầu của phía đối tác Nhật Bản, tháng 5/2023, lãnh đạo công ty đã tổ chức chuyến đi 10 ngày nhằm khảo sát thị trường và thói quen tiêu thụ cà phê của khách hàng tại Nhật Bản.

Trong chuyến đi này, các chuyên gia cà phê của Voco đã ghé thăm hàng chục thương hiệu cà phê tại Tokyo và các thành phố lớn tại Nhật Bản, để khảo sát “gu” uống cà phê của người tiêu dùng “đất nước mặt trời mọc”. Qua đó, đã có sự điều chỉnh cách rang xay phù hợp.

Bà Võ Thị Thu Hạnh – Giám đốc VOCO (giữa) và bà Đinh Anh Minh - Giám đốc Aikai Group, giới thiệu về cà phê đặc sản Lâm Đồng với Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh.

Bà Võ Thị Thu Hạnh – Giám đốc Voco (giữa) và bà Đinh Anh Minh - Giám đốc Aikai Group, giới thiệu về cà phê đặc sản Lâm Đồng với Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh.

Ngoài ra, công ty cũng phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, bao bì hoàn toàn mới, phù hợp với khách hàng tại Nhật Bản – thị trường được đánh giá là “khó tính” hàng đầu thế giới.

Đại diện đối tác Nhật Bản, bà Đinh Anh Minh - Giám đốc Công ty Aikai Group, cho biết, để phát triển và đưa được sản phẩm cà phê đặc sản chất lượng cao của Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung, vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cùng đối tác đã khảo sát đánh giá kỹ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và tuân thủ chặt chẽ quy định về nhập khẩu cà phê khắt khe tại Nhật Bản.

“Tham gia sự kiện Caferes Japan 2023 là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm khách hàng, phát triển kênh phân phối, mở rộng thị phần các sản phẩm ngành F&B tại Nhật Bản. Sau khi đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận, giá trị của các sản phẩm Việt Nam sẽ được nâng lên tầm cao mới, qua đó sẽ có “tấm vé thông hành” để chinh phục các thị trường khác trên thế giới”, Giám đốc Aikai Group kỳ vọng.

Cà phê đặc sản Lâm Đồng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản.

Cà phê đặc sản Lâm Đồng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, các sản phẩm cà phê Việt Nam ngày càng chiếm thị phần cao tại thị trường Nhật Bản. Trong 10 nước ASEAN xuất khẩu cà phê vào Nhật Bản, Việt Nam chiếm tới 80%. Thống kê 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Nhật Bản đạt hơn 161 triệu USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022.

“Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vào Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng khi nước này có nhiều mùa lễ hội, Giáng sinh, năm mới. 6 tháng đầu năm, Nhật Bản đã đón hơn 10 triệu khách du lịch và càng cuối năm lượng khách sẽ càng tăng. Do đó, cà phê Việt Nam và các sản phẩm đồ uống, thực phẩm khác càng có nhiều dư địa xuất khẩu”, Tham tán Thương mại Tạ Đức Minh dự báo.

Dự án đưa cà phê đặc sản dưới chân núi LangBiang và vùng Cầu Đất (Đà Lạt) sang thị trường Nhật Bản được bắt đầu từ tháng 10/2022, khi huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với thành phố Yachiyo (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản).

Đoàn công tác của chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yachiyo - Nhật Bản đến tham quan, tìm hiểu nhà máy sản xuất cà phê của Công ty Voco.

Đoàn công tác của chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yachiyo - Nhật Bản, đến tham quan, tìm hiểu công nghệ sản xuất cà phê của công ty Voco, hồi tháng 5/2023.

Sau các chuyến khảo sát với sự tham gia của đoàn doanh nghiệp và lãnh đạo hai địa phương, các bên đã thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thương mại, đào tạo nguồn nhân lực… Trong đó, việc đưa sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Lạc Dương sang thị trường Nhật Bản được lãnh đạo và doanh nghiệp hai bên coi là mục tiêu hàng đầu.

Ông Sử Thanh Hoài - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, chia sẻ: “Việc sản phẩm cà phê của Lạc Dương được giới thiệu chính thức tại thị trường Nhật Bản đánh dấu thành công bước đầu trong hợp tác giữa doanh nghiệp Lạc Dương với doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là quả ngọt đầu mùa sau những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp hai bên. Đồng thời mở ra triển vọng cho cà phê Arabica LangBiang của Lạc Dương đến với Nhật Bản”.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm