Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu: Mô hình “sản xuất xanh” là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp

DNVN - Mô hình hoạt động và xu hướng "Công xưởng không khói" của doanh nghiệp hiện nay theo hướng giảm thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên, tạo ra giá trị kinh tế cao. Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Dược phẩm SaVi chung quanh vấn vấn đề này.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Savipharm được cấp giấy chứng nhận GMP châu Âu

PV: Hiện ở Việt Nam vẫn còn tình trạng thâm dụng lao động và tài nguyên trong khi nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp hàng năm rất lớn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TTƯT Trần Tựu: Tại Việt Nam, tình trạng thâm dụng lao động còn khá phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp. Cũng do hiện trạng này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhu cầu lao động hàng năm tại các ngành công nghiệp rất lớn. Chỉ tính riêng 5 ngành công nghiệp trọng điểm giai đoạn từ 2021 - 2025 yêu cầu lao động mỗi năm cần từ 86.800 đến 179.200 lao động. Giải pháp để giảm thâm dụng lao động về cơ bản là đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất; bao gồm: khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất; xây dựng các chương trình kết nối quốc tế trong hợp tác chuyển giao công nghệ mới, đầu tư các dự án công nghệ cao; tiếp tục có sự hỗ trợ bằng chính sách của Chính Phủ và UBND TP Hồ Chí Minh.

Tình trạng thâm dụng tài nguyên trong hoạt động sản xuất công nghiệp cũng cần tìm ra những giải pháp khắc phục, với những nội dung chủ yếu như: sử dụng các trang thiết bị (TTB) công nghệ tiết kiệm điện, năng lượng, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên...

Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi.

Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Dược phẩm SaVi.

Tại Công ty CP Dược phẩm Savi (Savipharm), ngay trong giai đoạn khởi nghiệp (2005-2007), đã lựa chọn dây chuyền TTB công nghệ tiên tiến trong đầu tư Nhà máy sản xuất dược phẩm và trong các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) - nghiên cứu phát triển (NCPT). Trong những năm qua, Savipharm đã đầu tư mới Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Công Nghệ Cao, đang trong quá trình đầu tư đổi mới toàn bộ TTB công nghệ tiên tiến (của các nước G7) tại Nhà máy sản xuất dược phẩm.

Thực hiện các giải pháp giảm thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên trong các ngành sản xuất công nghiệp đồng thời đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trước hết doanh nghiệp tạo ra cơ cấu sản phẩm mới có chất lượng cao, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cải thiện năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện về tài chính cho hoạt động đầu tư mới và cải thiện các điều kiện đời sống cho người lao động, bảo đảm môi trường và sức khỏe cộng đồng.

PV: Xin ông đánh giá thêm về thuận lợi, khó khăn khi doanh nghiệp lựa chọn mô hình sản xuất có tri thức cao. Cần những cơ chế/chính sách hỗ trợ gì của chính quyền địa phương và Trung ương?

TTƯT Trần Tựu:Mô hình sản xuất có tri thức cao, có các đặc trưng chủ yếu như ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong sản xuất bao gồm dây chuyền TTB tiên tiến. Tiếp đến là lao động quản lý giữ vai trò quan trọng, lao động trực tiếp có kiến thức và kỹ năng cao. Bên cạnh đó là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tính mới; hoạt động sản xuất có năng suất và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường được quan tâm tối đa.

 

Do thực tế tại hầu hết các doanh nghiệp, việc chuyển đổi để trở thành mô hình sản xuất có tri thức cao gặp không ít khó khăn. Đó là nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động; việc xác định và lựa chọn công nghệ phù hợp; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh hoặc thay đổi phương thức quản lý hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn và chuyển đổi mô hình sản xuất có tri thức cao hiện có những tiền đề thuận lợi và là cơ hội lớn. Trước hết, mô hình sản xuất có tri thức cao đang là xu thế và là động lực cho quá trình phát triển. Các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, áp dụng các kinh nghiệm có chọn lọc từ các doanh nghiệp tiên phong quốc tế và Việt Nam. Với việc nước ta đã là thành viên tích cực trong các Hiệp định thế hệ mới quốc tế, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn công nghệ mới. Các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ, hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt Nhà nước đã xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp tự tin trong việc ứng dụng mô hình sản xuất có tri thức cao và đổi mới sáng tạo.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước) với gần 300.000 doanh nghiệp, riêng các doanh nghiệp Khu chế xuất và Khu công nghiệp là 1.669 doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp - các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thành phố nhanh chóng đổi mới hoạt động hướng tới mô hình sản xuất có tri thức cao, hiệu quả, đề nghị Trung Ương tiếp tục hoàn thiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, mạnh dạn áp dụng các kinh nghiệm tổ chức quản lý doanh nghiệp hiệu quả; tạo điều kiện tiếp tục phát triển các Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (DN KH&CN); bổ sung nguồn lực thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động sản xuất công nghiệp.

Đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm được hưởng chính sách kích cầu, miễn giảm lãi suất đầu tư; tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển tại các doanh nghiệp công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu của các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm.

PV: Giá trị kinh tế mang lại cho bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung khi hoạt động theo mô hình "sản xuất xanh", có hàm lượng tri thức cao. Vậy, mô hình “sản xuất xanh” có đang là xu thế và phù hợp với Việt Nam, thưa ông?

 

TTƯT Trần Tựu:“Sản xuất xanh” là xu thế toàn cầu trong các hoạt động sản xuất - dịch vụ nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và thiết thực bảo vệ môi trường.

Hoạt động “sản xuất xanh” bao gồm quy trình sản xuất khép kín, liên tục, tiết kiệm vật tư nguyên liệu; sử dụng vật liệu bao bì đóng gói thân thiện với môi trường bao gồm giảm tối đa vật tư phế thải; thực hiện giải pháp xử lý chất thải (bao gồm chất thải rắn, chất thải nước, khí thải) bảo vệ môi trường triệt để. Hoạt động “sản xuất xanh” bao gồm việc thiết kế, đầu tư cây xanh - thảm cỏ đạt tối thiểu 20% tổng diện tích đất sử dụng của doanh nghiệp. Đối với các Khu công nghiệp - Khu chế xuất, diện tích cây xanh - thảm cỏ đạt tối thiểu 10% tổng diện tích đất sử dụng của toàn khu.

Với việc tổ chức hoạt động theo mô hình “sản xuất xanh” và có hàm lượng tri thức cao, doanh nghiệp chắc chắn gặt hái những giá trị kinh tế lớn. Trước hết là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước. Tiếp đến là sản phẩm có chất lượng cao theo các chuẩn mực quốc tế, có giá cạnh tranh, được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng và khách hàng. Lợi nhuận và hiệu quả của quá trình sản xuất ngày càng cao, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ - ứng dụng công nghệ cao, đầu tư các dự án mới và tăng thu nhập, hoàn thiện hơn nữa các điều kiện làm việc cho người lao động. Đồng thời, với hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp có đóng góp ngân sách ngày càng cao, góp phần thiết thực vào việc xây dựng môi trường thân thiện, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa của người lao động nói riêng và dân cư trên địa bàn nói chung. Đồng thời góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người lao động, cộng đồng và giảm chi phí khám chữa bệnh và sử dụng thuốc. Do vậy, triển khai mô hình “sản xuất xanh” là sự lựa chọn khôn ngoan của các doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!
Duy Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm