Doanh nghiệp - Doanh nhân

TP HCM: Nhức nhối tình trạng lộng lành của “cát tặc”

DNVN - Nạn nạo vét, hút cát trái phép trên các con sông, kênh rạch của TP.HCM từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối dư luận. Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, lợi nhuận từ việc khai thác cát ngày càng cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để tìm cách khai thác, hút trộm cát từ các con sông để bán ra thị trường.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Vụ phát tán “clip nóng” của nữ diễn viên ở Hà Nội không liên quan đến cán bộ công an

“Cát tặc" vẫn lộng hành

Nguồn tài nguyên sông rạch trên địa bàn TP.HCM, khu vực cửa biển Cần Giờ trước nay luôn được xem là mỏ cát trong xây dựng, san lấp. Cũng chính vì thế, sông rạch TP.HCM và vùng giáp ranh với các tỉnh trở thành địa bàn hoạt động của “cát tặc” nhiều năm qua.

Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng TP.HCM thường xuyên tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, qua đó liên tiếp phát hiện, bắt quả tang nhiều vụ bơm hút cát trái phép.

Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM cho biết, lực lượng Biên phòng thành phố vừa phát hiện một vụ vận chuyển cát trái phép trên cửa sông Soài Rạp thuộc địa phận huyện Cần Giờ (TP.HCM) và tạm giữ 3 phương tiện thủy cùng toàn bộ tang vật.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Bộ đội Biên phòng TP.HCM, khoảng 15 giờ 30 ngày 20/6, trong lúc tuần tra, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 3 sà lan đang có hành vi vận chuyển cát trái phép tại khu vực cửa sông Soài Rạp.

Thu giữ 3 phương tiện thủy vận chuyển trái phép cát trên sông ngày 19/6/2021.

Thu giữ các phương tiện thủy vận chuyển trái phép cát trên cửa sông Soài Rạp thuộc địa phận huyện Cần Giờ.

Kết quả kiểm tra cho thấy 3 sà lan biển kiểm soát SG-6668, SG-7200 và SG-7368 do 3 người cùng có hộ khẩu thường trú tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) gồm P.V.Đ (sinh năm 1979), T.V.M. (sinh năm 1988) và L.V.P. (sinh năm 1980) điều khiển, đang vận chuyển khoảng 500m3 cát.

Tại thời điểm kiểm tra, những người điều khiển sà lan đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số cát nói trên, cũng không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến phương tiện và thuyền viên.

Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 3 phương tiện và hoàn tất hồ sơ, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 18/6, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Hiệp Phước, Biên phòng Cửa khẩu cảng TP.HCM trong quá trình tuần tra trên sông Soài Rạp, tại khu vực cảng Tân Cảng Hiệp Phước đến bến phà Hiệp Phước - An Thới Đông (thuộc ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đã phát hiện 3 sà lan vận chuyển gần 1.000m3 cát trái phép.

Tương tự, 19/3/2021, Công an huyện Củ Chi, TP.HCM đã lập hồ sơ xử lý 2 vụ bơm hút cát trái phép trên sông Sài Gòn. Theo đó, 17/3, Trạm Cảnh sát đường thủy Rạch Tra phối hợp cùng Công an huyện Củ Chi tiến hành tuần tra ở trên sông Sài Gòn đoạn thuộc ấp 2A, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Lúc này, tổ tuần tra phát hiện và bắt quả tang 4 đối tượng gồm: T.N.S. (ngụ tỉnh Đồng Tháp), T.Q.T., N.H.T., Đ.N.T. (cùng ngụ tỉnh Long An) điều khiển 1 ghe gỗ có gắn thiết bị bơm hút cát và 1 ghe gỗ vận chuyển cát đang bơm hút cát trái phép trên sông.

Tại hiện trường, lực lượng thu giữ trên ghe gỗ bơm có chứa khoảng 7m3 cát và ghe gỗ vận chuyển có chứa khoảng 20m3 cát vừa hút dưới sông lên. Ngay sau đó, công an đã lập biên bản đưa các đối tượng cùng tang vật về trụ sở để điều tra.

"Cát tặc" bị bắt giữ.

"Cát tặc" bị lực lượng chức năng TP.HCM bắt giữ.

Có thể thấy, nạn nạo vét, hút cát trái phép trên các con sông, kênh rạch của TP.HCM từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối dư luận. Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, lợi nhuận từ việc khai thác cát ngày càng cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để tìm cách khai thác, hút trộm cát từ các con sông để bán ra thị trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc khai thác cát trái phép giảm trên địa bàn thành phố thời gian qua tuy có giảm so với những năm trước nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng biển Cần Giờ.

Năm 2020, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý hơn 80 vụ với gần 90 phương tiện khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không hợp pháp. Tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỉ đồng, tịch thu gần 10.000m3 cát. Thành phố đã chuyển một vụ cho Công an huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tiếp tục điều tra. Ngoài ra, thành phố cũng bàn giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý 5 phương tiện liên quan.

Kiên quyết xử lý triệt để

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TP.HCM, việc khai thác cát trái phép không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân. Tuy vậy, công tác kiểm tra xử lý còn nhiều bất cập, người khai thác có nhiều thủ đoạn tinh vi như cử người cảnh giới, thực hiện vào ban đêm... Khi bị bắt quả tang, các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy, nhận chìm tàu, thậm chí không ngần ngại chống đối người thi hành công vụ.

Nhằm tăng cường chấn chỉnh hành vi sai phạm này, mới đây UBND TP.HCM đã đề xuất tăng mức phạt gấp đôi để chống khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp.

Theo đó, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng Cảnh sát Đường thuỷ TP.HCM ra quân truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

Lực lượng Cảnh sát Đường thuỷ TP.HCM ra quân truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

TP.HCM đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số điều đối với một số hành vi vi phạm tại Nghị định về Quy định xử phạt hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa (Nghị định số 132/2015 của Chính phủ).

Cụ thể, bổ sung hình thức xử phạt tịch thu máy móc, thiết bị khai thác tự ý lắp, gắn lên phương tiện (các máy móc không đúng với hồ sơ kỹ thuật phương tiện) vào điều 15: vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác cảng, bến thủy nội địa, vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.

Tùy từng hành vi vi phạm cụ thể mà mức phạt do UBND TP.HCM đề xuất tăng gấp đôi, hoặc tăng hơn 2-5 triệu đồng so với mức phạt hiện hành. Ví như đề nghị tăng tiền phạt từ 10 - 20 triệu đối với vi phạm về khai khác cảng, bến thủy nội địa (mức hiện tại chỉ 5-10 triệu)…

Còn đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung thêm hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện từ 1-2 tháng.

Riêng đối với các phương tiên vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, UBND TP.HCM đề nghị hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 1-2 tháng.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định theo hướng bắt buộc tất cả các phương tiện khi tham gia vận chuyển khoáng sản phải gắn thiết bị định vị và camera giám sát hành trình.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm