Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” đăng ký?

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2020, nước ta có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN).

Áp lực khi người Thái 'mạnh tay' rót vốn vào Việt Nam / Mercedes-Benz là hãng xe sang bán chạy nhất thế giới trong năm 2020

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2020, nước ta có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Thế nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 460 doanh nghiệp được công nhận, trong khi đó cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp có thể đáp ứng được các tiêu chí để trở thành doanh nghiệp KHCN. Nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ không “mặn mà” với việc được công nhận bởi các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện nay vẫn chưa đủ thu hút họ.

Quy định phức tạp, khó tiếp cận các ưu đãi

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, lâu nay, doanh nghiệp KHCN được ví như những “hạt giống đỏ” trong lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp KHCN, Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp KHCN. Để khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp KHCN, nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, ưu đãi về tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước… đã được ban hành.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thống kê của ngành khoa học cho thấy, Việt Nam mới chỉ có hơn 460 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN và khoảng 40 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, hiện cả nước có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có thể đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp KHCN.

cty tien nông
Ảnh minh họa.

Nhận định từ một số doanh nghiệp cho biết, ngay cả khi họ đủ điều kiện để được công nhận, nhưng vẫn ngại thực hiện các thủ tục do việc đăng ký còn tồn tại nhiều quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp. Đơn cử như để được công nhận, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KHCN, cũng như doanh nghiệp phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ - điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ… Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi nhìn có vẻ nhiều, nhưng thực tế rất khó có thể nhận được.

Như với trường hợp của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông, mặc dù đã được công nhận là doanh nghiệp KHCN, đồng thời ngay từ khi mới thành lập, doanh nghiệp đã xác định lấy KHCN làm nền tảng cho phát triển, thể hiện qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D với những trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực trình độ cao. Nhờ đó, Công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhiều sản phẩm dinh dưỡng cây trồng đã được triển khai trong thực tế sản xuất. Thế nhưng theo ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông, chặng đường “theo đuổi” mô hình doanh nghiệp KHCN của Tiến Nông cũng không hề dễ dàng. Với xuất phát điểm thấp, đa số các doanh nghiệp đều là nhỏ và vừa nên quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặc dù trên thực tế các doanh nghiệp KHCN như Tiến Nông sẽ được nhận nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhưng những ưu đãi này có đến được với doanh nghiệp hay không lại là một chuyện khác, khi có quá nhiều thủ tục rất phức tạp - gây khó cho doanh nghiệp. Rồi quá trình hỗ trợ, đầu tư lại chưa thực sự “tới ngưỡng” khi với mỗi dự án đầu tư khởi nghiệp, thường Nhà nước chỉ đầu tư được khoảng ½ là đã hết…

Chặng đường còn “gian nan”

Đã 13 năm, kể từ khi văn bản đầu tiên liên quan đến việc hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ ra đời là Nghị định 80 năm 2007 của Chính phủ. Tiếp theo đó là hàng loạt Nghị định, Chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020… Trong đó, nhấn mạnh hàng loạt những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KHCN như: Miễn thuế, giảm thu nhập cá nhân; Miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KHCN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất kinh doanh… cùng với rất nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Mặc dù ưu đãi nhiều, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn không “mặn mà” trong việc chuyển đổi, đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN. Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ KHCN cho biết, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai, nhưng quỹ đất tại các khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế, nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Hay như để nhận được ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp KHCN là khá khó khăn khi doanh nghiệp phải đảm bảo được mức tăng trưởng và doanh thu từ KHCN. Rồi tại một số ngành, lĩnh vực khác có những ưu tiên, ưu đãi tương tự và thậm chí là ưu đãi cao hơn như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp…

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và công nghệ) cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng nữa cũng phải kể tới đó là do nhận thức của chính doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, hiện nay các chương trình đang triển khai cũng có nhiều hạn chế, cơ chế tài chính cho hoạt động giải ngân cũng có nhiều hạn chế… Do đó, thời gian vừa qua Bộ cũng đã có nhiều nỗ lực, thay đổi cơ chế đầu tư, tài chính… cũng được thay đổi để tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn còn thách thức cần phải tiếp tục thay đổi, đặc biệt là cơ quan quản lý, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hỗ trợ, cả chính thức và phi chính thức.

 

Ngoài hơn 500 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KHCN và doanh nghiệp công nghệ cao, thì hiện cả nước có hơn 2.600 doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không đăng ký để được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN. Trong đó, hơn 800 doanh nghiệp đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; hơn 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, chặng đường để đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KHCN vào năm 2020 sẽ đầy “gian nan”, cần sự chung tay, phối hợp giữa các cấp, ngành, đặc biệt là trong ứng dụng và thúc đẩy phát triển KHCN. Mặt khác, ngay khi các doanh nghiệp KHCN mới bắt đầu thành lập, đi vào hoạt động - rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các phương thức khác nhau. Lấy một ví dụ, trong Luật Đấu thầu, để có được một dự án, doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện về: kinh nghiệm thực hiện các dự án có quy mô lớn… Như vậy thì các doanh nghiệp KHCN mới hình thành không đủ các tiêu chí để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Do đó, cần có một cơ chế ưu tiên áp dụng vào sản xuất những công nghệ do người Việt Nam tạo ra thông qua những doanh nghiệp KHCN.

Ông Lưu Hải Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, một trong những doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN thì các cơ chế chính sách ưu đãi phải thực chất và thông thoáng hơn nữa, chứ không phải là chính sách trên giấy.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, số lượng doanh nghiệp KHCN nhiều nhưng chưa xin đăng ký cấp. Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi ở các ngành khác. Chẳng hạn như doanh nghiệp nằm trong khu công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ thông tin; doanh nghiệp có dự án đầu tư mới; doanh nghiệp sản xuất ở địa bàn khó khăn… Trong khi đó, ưu đãi khi đăng ký cấp là doanh nghiệp KHCN thì tương đương hoặc hơn không quá nhiều.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, qua các thống kê và đánh giá tiềm năng thì số liệu doanh nghiệp KHCN chắc chắn là hơn 5.000, thậm chí còn hơn rất nhiều nhưng họ có đăng ký hay không. Và thu hút doanh nghiệp đăng ký thành doanh nghiệp KHCN, Bộ đã kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó phải kể tới Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 với ưu đãi tốt hơn, cơ chế cũng thông thoáng hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm