Xây dựng cơ chế đột phá cho dòng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Người dân hưởng lợi gì khi doanh nghiệp làm "Net Zero"? / Đắk Nông công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm 2023
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị ban soạn thảo cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để thay thế luật số 69 năm 2014. Dự kiến đây sẽ là bộ Luật với cách tiếp cận đột phá, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp để tối ưu dòng vốn của Nhà nước.
Dự thảo Luật xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn và không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm cho những cá nhân đại diện phần vốn.
Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: "Tách bạch về chức năng, chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý của Nhà nước. Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xem như tài sản vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là quan điểm rất mới, đúng theo thông lệ quốc tế và quan điểm quốc tế về quản trị".
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: "Trước đây Luật 69 gọi là sử dụng vốn, còn đây là đầu tư vốn. Nghĩa là vai trò chủ động của Nhà nước ở đây với vai trò nhà đầu tư. Anh có thể đầu tư tiếp nếu lĩnh vực ấy mang lại lợi ích chiến lược mà Nhà nước hướng tới, như an ninh quốc phòng, các giá trị khác".
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao cách tiếp cận của dự thảo Luật, vẫn còn băn khoăn về những cơ chế quản lý mới.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định: "Qua Bộ Tài chính ít nhất ba tháng, qua Uỷ ban, lên Chính phủ cũng như vậy. Nói tóm lại cứ một nhịp là thêm một năm, chậm dự án một năm. Đó là thực tế. Nên cân nhắc thêm về việc phê duyệt chủ trương đầu tư vốn".
Bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra ý kiến: "Luật doanh nghiệp có quyết định phải giữ 65% vốn thì mới có quyền quyết định về ngành kinh tế, nhưng trong luật này đang để trên 51%, đang có những mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp".
Với quy mô ban soạn thảo lên tới 47 thành viên, bao gồm đại diện các Bộ ngành, doanh nghiệp và chuyên gia, nhiều ý kiến từ Chính phủ và Quốc hội đánh giá đây là dự án Luật khó, đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của từng thành viên ban soạn thảo. Dự kiến trong một vài ngày tới, dự thảo Luật sẽ được Bộ Tài chính công khai rộng rãi để tiếp thu ý kiến hoàn thiện, trước khi trình ra Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10.
End of content
Không có tin nào tiếp theo