Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xử lý các dự án yếu kém: Đã có những kết quả tích cực

DNVN - Chia sẻ tại Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo", ngày 5/4, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, đã có những kết quả tích cực.

Lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương / Làm rõ trách nhiệm cá nhân 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương

Chính phủ và các bộ ngành đã xử lý tích cực và đã có kết quả

Các ý kiến tại Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức đều cho rằng kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận.

Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm "đóng băng" đã vận hành tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây.

Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đánh giá về kết quả này, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Bước sang năm 2022, mặc dù khối lượng việc đầu nhiệm kỳ mới là nhiều, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao trong xử lý các dự án yếu kém trên.

“Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao. Và rõ ràng là với nỗ lực làm việc như vậy, phải có kết quả. Có những dự án gọi là hồi sinh, tạo ra sản phẩm về mặt kinh tế. Cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả”, ông Hiếu nói.


Ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Tọa đàm.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Hiếu bày tỏ tin tưởng cử tri Thái Bình rất hoan nghênh việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sự hồi sinh của nhà máy này cho thấy logic giữa sự chỉ đạo rất quyết liệt cộng với việc hồi sinh các dự án khác.

Kinh nghiệm đặt ra từ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là không có phương án chung tuyệt đối tốt, chỉ có phương án tối ưu. Có những dự án giải quyết được càng sớm thì thiệt hại của Nhà nước càng giảm. Ngược lại, có những dự án cần đưa vào vận hành, ví dụ nhà máy nhiệt điện và bài toán ở đây chúng ta phải tính về yêu cầu năng lượng hiện nay trong bối cảnh quốc gia, thì dự án lại là cần sớm đưa vào hoạt động.

Phải nói ngược để tính phương án phá sản, thu hồi tài sản

Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, đã có những dự án hồi sinh nhưng có dự án nếu chậm xử lý sẽ dẫn đến mất vốn của Nhà nước.

“Đôi khi phải nói ngược, cũng có những dự án có thể không có thị trường, không có khả năng, chúng ta phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản... Với tư duy của một nhà đầu tư tôi thấy cách tiếp cận này rất hợp lý. Nghe các trao đổi thì tôi thấy chúng ta đã thống nhất một vài phương án đang đi đúng hướng. Chúng ta đều nói về từng dự án, như vậy chúng ta đang cá thể hoá từng dự án, đánh giá kỹ từng dự án. Từ đó chúng ta phải có phương án tối ưu cho từng dự án. Theo tôi đây cũng là điểm rất tốt”, ông Hiếu nói.


Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đốt lửa lần đầu tổ máy số 1.

Qua việc nghe các trao đổi của doanh nghiệp hôm nay, ông Hiếu cho rằng cách cách tiếp cận tối ưu hoá lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan chủ động khi xử lý các dự án yếu kém theo nguyên tắc “thị trường”, là phù hợp.

Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc chung của pháp luật, như của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả.

Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường. Tính đến cả dài hạn. Ngay cả sau khi khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì chúng ta có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án.

Ông Hiếu khuyến nghị cần có sự quyết liệt đến từng dự án, phải chọn phương án xử lý cho các tranh chấp hợp đồng (EPC) nhanh chóng nếu không có lựa chọn khác.

“Chúng ta buộc phải đưa ra để dứt điểm. Cùng với đó, về tư duy, phải hiểu lợi ích tốt nhất có tính thời điểm. Không thể nói 3 năm sau thì thế nào. Phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan. Giai đoạn trước 1 người làm, giai đoạn này lại người khác phải chịu trách nhiệm cả quá trình. Việc này phải bảo đảm về mặt pháp luật”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm