Đời sống

6 lý do khiến bạn bị chóng mặt khi thức dậy

Rời giường vào buổi sáng có thể là cuộc đấu tranh với nhiều người. Đặc biệt, bị chóng mặt, choáng váng khi thức dậy chỉ khiến điều đó càng khó khăn hơn.

5 mẹo giúp con trẻ hạn chế sử dụng các thiết bị di động / Chọn dưa chuột giòn ngon, không đắng chỉ cần biết mẹo sau

Hầu như ai cũng thỉnh thoảng bị chóng mặt khi thức dậy vào buổi sáng. Ảnh: Healthgrade.

Nếu bạn thức dậy với cảm giác yếu ớt, choáng váng hoặc lảo đảo, đó có thể là dấu hiệu của bất kỳ vấn đề gì, từ việc không uống đủ nước cho đến tình trạng bệnh lý như chứng ngưng thở khi ngủ.

Tiến sĩ thính học Julie Honaker của Cleveland Clinic chia sẻ chóng mặt là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người đi khám, nhưng có thể có nhiều nguyên nhân.

Nếu thỉnh thoảng thức dậy chóng mặt, có lẽ bạn không cần phải lo lắng. Hầu như ai cũng thỉnh thoảng bị chóng mặt vào buổi sáng. Nhưng nếu điều này xảy ra thường xuyên, tiến sĩ Honaker liệt kê 6 lý do phổ biến nhất của tình trạng này.

Huyết áp thấp

Nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn vào buổi sáng. “Máu có xu hướng dồn lại khi bạn nằm xuống. Khi bạn đứng dậy, máu sẽ dồn xuống chân và bụng, gây tụt huyết áp”, tiến sĩ Honaker giải thích.

 

Thông thường, cơ thể có thể phục hồi huyết áp nhanh chóng. Nhưng khi điều này diễn ra quá chậm, nó gây ra tình trạng gọi là hạ huyết áp thế đứng, có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Huyết áp thấp – còn được gọi là hạ huyết áp thế đứng hoặc hạ huyết áp tư thế – phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Nó cũng có thể xảy ra nếu bạn:

– Dùng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm hoặc lợi tiểu.

– Mắc các vấn đề về tim hoặc rối loạn hệ thần kinh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Honaker cho biết đó không phải là lý do đáng báo động. Mặc dù hạ huyết áp thế đứng có thể gây ra cảm giác khó chịu như chóng mặt hoặc choáng váng khi thức dậy, nó chỉ là tạm thời. Tình trạng này chỉ kéo dài trong vài phút, nhưng bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu thường xuyên trải qua.

 

Chong mat khi thuc day anh 1

Những người có huyết áp thấp dễ bị choáng váng, lảo đảo vào buổi sáng. Ảnh: Flohealth.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)

BPPV là vấn đề về tai trong, có thể gây chóng mặt khi bạn thức dậy. Hệ thống cân bằng tai trong (tiền đình) có 5 cơ quan cảm giác ở mỗi tai:

– Ba ống bán khuyên màng: Chất lỏng lấp đầy mỗi kênh này. Khi đầu bạn di chuyển, chất lỏng cũng di chuyển. Bộ não sau đó biết vị trí đầu ở đâu và làm thế nào để giữ thăng bằng.

– Hai cơ quan sỏi thính giác: Những cơ quan này chứa các hạt dày đặc được gọi là sỏi – những tinh thể giúp bạn cảm nhận được sự thay đổi của trọng lực và duy trì cân bằng. Những tinh thể này có thể vỡ ra khỏi các cơ quan trong tai và đi vào các bộ phận khác của tai, bao gồm cả các ống khuyên màng. Chuyển động đó có thể gây chóng mặt.

 

“Cảm giác thường kéo dài trong vài giây đến một phút. Nó dịu đi khi các tinh thể lắng xuống một phần khác của tai. Những người bị BPPV cũng có thể thấy chóng mặt khi bắt đầu ngủ hoặc khó ngủ. BPPV cũng gây ra một số triệu chứng suy nhược khác bao gồm buồn nôn, nôn mửa và khó đi thẳng”, tiến sĩ Honaker lưu ý.

Mất nước

Theo Webmd, khi bạn không uống đủ nước, lượng máu trong cơ thể cùng huyết áp sẽ giảm. Huyết áp thấp có nghĩa là máu lưu thông lên não chậm hơn, khiến bạn cảm thấy chóng mặt khi thức dậy.

Tiến sĩ Honaker cho biết có thể mất thời gian để bù nước cho cơ thể, vì vậy, bạn hãy uống nhiều hơn và ăn uống đầy đủ trong ngày. Nếu bạn bị mất nước nhiều hơn, việc truyền tĩnh mạch có chất điện giải cũng có thể hữu ích.

Uống quá nhiều rượu hoặc caffeine có thể khiến bạn mất nước. Với người trưởng thành, không nên uống rượu trước khi đi ngủ. Ngoài việc ngăn ngừa mất nước gây chóng mặt vào sáng hôm sau, điều này cũng giúp bạn không phải thức dậy nhiều vào ban đêm để đi vệ sinh.

 

Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây chóng mặt sau khi thức dậy do ảnh hưởng đến huyết áp hoặc tương tác với các loại thuốc khác. Những loại thuốc này bao gồm: Kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, chống động kinh, thuốc chống loạn thần, thuốc kháng virus, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau opioid.

Tiến sĩ Honaker cho biết nếu nghĩ rằng thuốc của mình gây chóng mặt, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ có thể khiến bạn không thở đều đặn trong lúc ngủ. Tình trạng này có thể ngăn máu nhận đủ oxy, dẫn đến chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác như có thể bất tỉnh. Ngưng thở khi ngủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác như đau đầu, cũng gây chóng mặt.

 

Suy tim

Khi bạn bị suy tim, tim không thể bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể. Vấn đề này có thể gây ra các vấn đề về huyết áp, dẫn đến chóng mặt khi bạn thay đổi tư thế.

“Có một mối liên hệ đã biết giữa bệnh suy tim, các vấn đề về mất thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã. Những người có vấn đề về tim mạch dễ bị chóng mặt và gặp vấn đề về thăng bằng”, tiến sĩ Honaker lý giải.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm