Đời sống

Phòng chống bệnh lao ở phụ nữ mang thai và trẻ em

Lao là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai và trẻ em, những đối tượng có sức đề kháng yếu dễ bị vi khuẩn lao tấn công.

Đắp cao lá vối chữa bỏng, người phụ nữ ôm chân hoại tử cầu cứu bác sĩ / Những sự thật về suy nghĩ của đàn ông mà phụ nữ nên đọc ít nhất một lần

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bất kì bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể bị lao nhưng lao ở phổi chiếm hơn 80% các ca mắc lao. Đây cũng là thể bệnh duy nhất có thể lây cho người khác qua đường hô hấp.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 15 - 20 trường hợp phụ nữ mang thai mắc lao phổi ở nhiều giai đoạn thai kì khác nhau, có năm lên đến 40 trường hợp. Tỷ lệ này tuy không cao so với tổng số ca mắc lao chung nhưng đây là vấn đề quan trọng đáng lưu tâm, bởi vì điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai có công thức riêng, phức tạp hơn vì vừa phải đảm chữa bệnh cho bà mẹ lẫn sự an toàn của thai nhi.

Trong thời kì mang thai, người phụ nữ sẽ tập trung toàn bộ năng lượng kể cả dinh dưỡng, tinh thần cho thai nhi. Vì thế, khi bị vi khuẩn lao tấn công cơ thể dễ bị suy kiệt nên nguy cơ sảy thai, thai chết lưu rất cao. Do đó, khi điều trị cho đối tượng này, các bác sĩ chuyên khoa luôn chú trọng hoạt động tư vấn, động viên bệnh nhân.

Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà mắc lao dương tính nặng thì thầy thuốc sẽ đưa ra hai phương án để người nhà cân nhắc. Một là sẽ tiếp tục điều trị nhưng phải chấp nhận rủi ro thai nhi có thể gặp các tai biến như thai chết lưu, suy dinh dưỡng bào thai. Thứ hai là phương án bỏ thai nhi để tập trung điều trị bệnh cho người mẹ. Còn đối với phụ nữ mang thai từ 4 tháng rưỡi trở lên thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuyên biệt, không dùng các loại thuốc có thể gây dị tật cho thai nhi. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải tái khám liên tục, khám thai định kì để có những điều chỉnh kịp thời vì thuốc chữa bệnh lao mang hàm lượng kháng sinh rất mạnh nên thuốc dùng cho phụ nữ mang thai ở mỗi giai đoạn khác nhau bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trường hợp phụ nữ mang thai mắc lao kháng thuốc, đa kháng thuốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều bởi thuốc điều trị thể lao này gồm nhiều loại và có tác động rất mạnh đến thai nhi, có thể gây ra dị tật thai nhi, thai chết lưu. Với những trường hợp này, đặc biệt ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thì các bác sĩ chuyên khoa, kể cả trên thế giới đều khuyến cáo nên bỏ thai nhi. Tuy nhiên điều này cần có sự đồng ý của gia đình. Nếu gia đình không chấp nhận, bác sĩ vẫn đưa ra phương pháp điều trị riêng nhưng phải cam đoan chấp nhận rủi ro.

 

Sau khi sinh con, người mẹ vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ nhưng không nên cho trẻ bú trực tiếp mà nên vắt sữa cho trẻ ăn, vắt sữa trước khi uống thuốc lao. Trường hợp cả mẹ và trẻ đều uống thuốc lao thì không nên nuôi con bằng sữa mẹ vì một phần thuốc lao sẽ qua sữa, làm tăng nồng độ thuốc trong máu của trẻ, gây ngộ độc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai khi mắc bệnh lao.

Trong khi việc điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai gặp nhiều khó khăn và rủi ro thì việc phát hiện lao ở trẻ em là một vấn đề cũng khó khăn không kém. Những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh lao (BCG), trẻ từ 10 tuổi trở lên, trẻ suy dinh dưỡng, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây… là đối tượng dễ mắc bệnh lao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ cho biết: triệu chứng lao ở trẻ em có một chút khác biệt với người lớn, đó là trẻ không ho kéo dài và thường xuyên. Do đó, trong công tác chẩn đoán trẻ mắc lao, cần chú trọng khai thác yếu tố tiền sử gia đình, gia đình có người mắc bệnh lao hay không. Hoặc trẻ có tiếp xúc với nguồn lây hay không. Bên cạnh đó, cần lưu ý các dấu hiệu đi kèm như sụt cân không rõ nguyên nhân, thường hay sốt về chiều tối, hay dân gian thường gọi là ra mồ hôi trộm.

Triệu chứng chung của bệnh lao phổi ở người lớn là ho, khạc đờm kéo dài từ 2 tuần trở lên, kèm theo các biểu hiện như sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, kém ăn, sụt cân, đau đầu, tức ngực, khó thở, ho ra máu… Hiện căn bệnh này đã có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh lao, mỗi người nên có lối sống lành mạnh, khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn, khi tiếp xúc với nguồn lây phải đeo khẩu trang. Trẻ em cần được tiêm vaccine phòng bệnh lao (BCG) trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

 

Theo vtv.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm