Đời sống

Xỉa răng sau khi ăn: Tưởng sạch hóa bẩn

Xỉa răng sau khi ăn là thói quen của hầu hết người Việt. Quan điểm làm sạch răng kiểu này được các chuyên gia cho biết, không những không sạch mà còn hóa bẩn vì ổ vi khuẩn.

Sườn kho nước dừa thơm ngon, mềm ngậy / Mở vali của chồng sau chuyến đi công tác, tôi sốc nặng với vật thể lạ, nhưng hành động hùng hổ của anh sau đó lại lật ngược tình thế

Người ta thường dùng các cây tăm bằng tre để xỉa răng, thậm chí nếu tiện có que diêm hay chân hương trong tay, họ cũng sẵn sàng đưa lên miệng mà không biết rằng, việc làm này có nhiều tác hại.

Theo các công bố mới nhất, 90% người Việt đang mắc các bệnh về răng miệng, chủ yếu là sâu răng, viêm nướu, hôi miệng… Nguyên nhân của các căn bệnh này là việc chăm sóc răng không đúng cách và thói quen xỉa răng có thể là một trong những lý do.

Xỉa răng sau khi ăn: Tưởng sạch hóa bẩn

Nên loại bỏ thói quen xỉa răng sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa.

Tổn hại lợi và xương răng

Theo BS chuyên khoa răng Nguyễn Hà Thu, phòng khám răng Thu Đông(Hải Phòng), việc dùng tăm xỉa răng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đầu nhọn của dụng cụ này chọc vào lợi gây rách, tổn thương nghiêm trọng. Từ đó, các vi khuẩn sẽ đột nhập qua vết thương hở gây viêm tấy, nhiễm trùng.

Nếu thường xuyên xỉa răng và gây tổn thương, lợi và chân răng sẽ dần “teo” lại, khe răng rộng ra rất mất thẩm mỹ và tạo điều kiện cho các mảng thức ăn thừa giắt vào, ảnh hưởng đến vệ sinh và sức khỏe răng miệng. Lúc này các mảng bám kết hợp với các chất khoáng trong nước bọt sẽ đóng thành vôi răng. Lớp vôi này tác động lên men răng cộng thêm sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm lợi, khiến lợi chảy máu và đau nhức kéo dài.

Ngoài ra, việc xỉa răng có thể vô tình khiến bạn nuốt phải tăm. Lúc này tình trạng khá nguy kịch nếu nó đâm thủng thành đại tràng, gây tổn thương họng, phổi, nặng hơn sẽ dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nuốt hóa chất từ tăm

Hiện nay những cơ sở sản xuất kém đảm bảo sẽ sử dụng các hóa chất tẩy trắng để làm trắng tăm. Thậm chí, những chiếc tăm có mùi quê hay bạc hà thực ra cũng là hóa chất tạo mùi. Những hóa chất độc hại sẽ theo đường nước bọt đi vào cơ thể, lâu ngày tích tụ sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số loại hóa chất tẩy trắng còn có nguy cơ gây ung thư cao.

 

“Mọi người nên chuyển sang các phương thức vệ sinh răng miệng khác như chỉ nha khoa, chăm đánh răng ngày 2 – 3 lần hoặc dùng nước súc miệng”, BS Hà Thu khuyên.

Đặc biệt, vị chuyên gia răng miệng này khuyên, chỉ nên đánh răng sau khi ăn 15-20 phút. Bởi, khi vừa ăn xong, môi trường miệng mang tính axit nhiều do nước bọt tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nếu đánh răng lúc này rất dễ tổn thương men răng. Ngoài ra, mọi người cần thường xuyên khám răng định kỳ và lấy cao răng 6 tháng/lần để có được sức khỏe răng miệng tốt nhất.

Nguy cơ lây nhiễm HIV

Trước đó, trả lời trên một số báo, Thạc sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc trung tâm Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, nếu một người nhiễm HIV/AIDS sau khi vào quán ăn, cố tình xỉa răng gây chảy máu rồi cắm tăm vào chỗ cũ, sau đó có người vô tình lấy đúng chiếc tăm đó xỉa răng mà gây chảy máu thì cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ông Khanh cho biết, virus HIV ở dạng dịch lỏng chỉ bị tiêu diệt trong nhiệt độ 56oC sau 20 phút. Nếu virus HIV ở dạng đặc, dạng khô thì sự sống kéo dài hơn nhiều lần. Tất cả các công trình nghiên cứu cho thấy, với điều kiện hanh khô, thời tiết nóng thì virus HIV chết nhanh hơn. Ngược lại, trong điều kiện nhiệt độ ẩm ướt, mát mẻ thì virus sống lâu hơn. Đặc biệt trong điều kiện 4-5oC thì virus HIV không chết, trong nhiệt độ âm thì virus này sống tới hàng trăm năm...

 

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, trong điều kiện thời tiết nắng nóng lên tới 50 – 60oC, ánh nắng mặt trời gay gắt thì virus HIV sau khi ra ngoài không khí sẽ chết rất nhanh. Nhưng thực tế, các que tăm xỉa răng bao giờ cũng được để ở nơi mát mẻ, chủ yếu là trong nhà và hầu như ánh nắng mặt trời không bao giờ chiếu vào. Do đó, khả năng kéo dài sự sống của virus HIV có trên đầu tăm càng lâu. Do vậy nếu loại bỏ thói quen xỉa răng bằng tăm, nguy cơ lây bệnh sẽ không cao.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm