Hỗ trợ doanh nghiệp

Đối thủ của Grab xác nhận hiện diện ở Việt Nam từ tháng 7

Go-Jek, đối thủ của Grab ở Indonesia, sẽ chào sân ứng dụng Go-Viet tại Việt Nam bằng chiêu miễn phí cước cho hành khách.

Chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ra thị trường thế giới, Go-Jek đã chính thức xác nhận đang hậu thuẫn về công nghệ và tài chính cho Go-Viet. Tuy nhiên, đội ngũ sáng lập công ty này chủ yếu là người Việt, được chia sẻ về kiến thức chuyên môn bởi "kỳ lân" Indonesia.

Phía Go-Jek cho rằng, đội ngũ này sẽ có lợi thế về kinh nghiệm và am hiểu về khách hàng, tài xế và thị trường bản địa.

Ông Nadiem Makarim - Nhà sáng lập kiêm CEO Go-Jek tuyên bố 'rất tin tưởng' về tương lai hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khác với Go-Jek với hai màu xanh lá cây và đen, màu nhận diện của Go-Viet là đỏ và trắng.

“Mô hình kinh doanh của chúng tôi thành công lớn ở Indonesia. Chúng tôi tin rằng các nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng có thể tận dụng mô hình này theo cách tương tự", ông nói.

Vào tháng 7, ứng dụng Go-Viet sẽ ra mắt phiên bản beta (thử nghiệm). Công ty dự kiến màn chào sân bằng cách miễn phí cước cho người dùng tại một số khu vực nội thành TP.HCM, với hai sản phẩm đầu tiên, đặt xe hai bánh và giao hàng.

Ông Nguyễn Vũ Đức - Đồng sáng lập kiêm CEO Go-Viet cho biết, sau giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng sẽ được triển khai rộng khắp tại TP HCM và sớm mở rộng ra Hà Nội cũng như các tỉnh khác.

"Chúng tôi sẽ từng bước phát triển hệ sinh thái trên ứng dụng, bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác", ông Đức tiết lộ và bày tỏ tham vọng đưa ứng dụng thành nền tảng đa dịch vụ lớn nhất Việt Nam.

Go-Jek hiện là nền tảng công nghệ đa dịch vụ lớn nhất tại Indonesia, với một triệu tài xế và hơn 150.000 các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cộng tác.

 

Bước đi tại Việt Nam là một phần trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines, trị giá 500 triệu USD của Go-Jek. Công bố được đưa ra ngay sau khi công ty nhận được vòng đầu tư mới nhất từ Google, Warburg Pincus, KKR, Tencent và Meituan-Dianping và một số nhà đầu tư quốc tế khác.

Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam vào cuối tháng 3, các ứng dụng gọi xe đã ồ ạt ra mắt. Cũng như Mai Linh Bike, VATO ra mắt trước đó, Aber và FastGo chỉ mới chính thức vận hành từ đầu tháng 6. Đến nay, Go-Viet là ứng dụng mới nhất chuẩn bị tham chiến. Những ứng dụng này đều có toan tính riêng.

"Lợi thế của chúng tôi là chi phí vận hành đang thấp hơn các hãng khác. Tôi có hỏi nhiều tài xế thì họ bảo giá cước của Aber có rẻ hơn Grab không, nếu không rẻ thì khách sẽ không chọn. Ứng dụng này do chúng tôi tự xây dựng nên có thể giảm giá thành, từ đó giảm giá cước cho khách", ông Giáp Hùng Cường - Nhà đồng sáng lập Aber chia sẻ trong buổi ra mắt ứng dụng.

Trong khi đó, Grab cũng đang rất đầu tư. Trong cuộc trao đổi gần đây với VnExpress, ông Jerry Lim - CEO Grab Việt Nam cho biết công ty đang trong cao điểm 90 ngày nâng cấp chất lượng. Để duy trì sức hút giữa các tên tuổi mới, Grab sẽ giảm giá cước giờ thấp điểm, thấp hơn cả giá cơ sở.

"Kẹt xe, mưa, giờ cao điểm thì tăng là đúng. Nhưng để cho công bằng, sẽ có thời điểm giá giảm thấp hơn bình thường. Hiện giờ, chúng tôi áp dụng bản beta ở một nhóm khách hàng để ghi nhận phản hồi và sẽ triển khai chính thức trong vòng 30 ngày tới", ông Jerry Lim nói về chiến lược giá mới.

 

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo