Dự án Giấy Tân Mai Kon Tum chậm tiến độ: Hàng trăm công nhân mỏi mòn chờ việc
Để chuẩn bị lượng công nhân đã qua đào tạo sau khi Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai hoàn thành và đưa vào sử dụng, hàng trăm lao động địa phương tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum- (chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số) đã được phía Nhà máy tuyển dụng và cử đi học nghề tại Đồng Nai. Thế nhưng, “Dự án triệu đô” trên dù sau nhiều lần điều chỉnh, xin gia hạn… vẫn chưa thể hoàn thành. Đồng nghĩa với việc, hàng trăm công nhân dù đã “tốt nghiệp” nhưng phải chịu cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2012, niềm vui đến với gia đình chị Y Thị, anh A Luông (làng Đăk Rao Lơn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) khi được phía Nhà máy tuyển dụng và cử đi học tại trường trung cấp nghề Tân Mai (Đồng Nai). Càng vui hơn khi mọi chi phí học hành, ăn ở đều được phía công ty chi trả. Đặc biệt, sau khi hoàn thành khóa học có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề sẽ được công ty ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Thế nhưng, niềm vui “chẳng tày gang” khi đã gần 10 năm sau khi tốt nghiệp, anh A Luông, chị Y Thị lại trở về với mảnh ruộng, nương rẫy quen thuộc. Tấm bằng tốt nghiệp cùng bản hợp đồng của Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai được anh, chị gói gém cẩn thận, cất kỹ trong ngách tủ bởi đến nay, “Dự án triệu độ” trên vẫn nằm im lìm giữa mênh mông đất.
Chị Y Thị, làng Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho biết: “Trước kia khi mà được nhà máy Tân Mai tuyển đi học, gia đình rất phấn khởi. Nhưng khi học xong cầm tấm bằng trên tay nhà máy bao năm vẫn không hoàn thành. Đi học về không có việc làm bản thân rất buồn, phải đi làm nông làm rẫy vất vả. Mong sau này nhà máy hoạt động để chị em mình có việc làm ổn định đỡ cho cuộc sống’.
Cùng chung tâm trạng như chị Y Thị, sau khi học xong nhưng không được bố trí công việc, anh A Luông phải tìm công việc khác để mưu sinh. Thế nhưng, nương rẫy ít, công việc trên địa bàn huyện không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo khiến cuộc sống của gia đình anh lao đao, vất vả.
Hơn bao giờ hết, những công nhân được đi đào tạo nghề tại đây đang mong chờ việc dự án sớm đi vào hoạt động. “Sau 2 năm học về nhà nhưng không có việc làm bản thân và gia đình rất buồn. Thứ nhất về mặt kinh tế không có việc làm, gia đình khó khăn bởi nương rẫy có ít, các công ty xí nghiệp trên địa bàn không phù hợp với nghề được đào tạo. Bây giờ chỉ mong chờ nhà máy sớm hoàn thành, chứ từ lúc học xong đến giờ là gần 10 năm mà chưa nghe nhà máy thông báo gì”, anh A Luông cho biết.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực, công nhân đã qua đào tạo cho nhà máy, phía nhà máy cùng chính quyền địa phương đã tuyển chọn và cho 300- 400 con em người địa phương đi học. Tuy nhiên, đến nay, dù đã “tốt nghiệp”, các em vẫn không được bố trí việc làm do nhà máy chưa hoàn thành, một số phải đi học nghề khác, số còn lại đang mưu sinh bằng những công việc khác.
Ông Bùi Tiến Lý, Chủ tịch UBND thị yrấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết: Nhà máy có tổ chức cho người lao động trên địa bàn của thị trấn cũng như huyện Đăk Tô cũng như trên địa bàn toàn tỉnh đi đào tạo để sau này trực tiếp sản xuất cho nhà máy để tăng thu nhập cũng như cải thiện đời sống của nhân dân. Số công nhân được cử đi đào tạo đến nay hầu như là chưa có việc làm.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho nhà máy hoạt động khi hoàn thành, chính quyền địa phương đã quy hoạch cho nhà máy 30.000 ha để trồng nguyên liệu giấy. Thế nhưng trong một chu kỳ dài, việc dự án chậm triển khai và hoàn thành khiến hàng ngàn héc ta nguồn nguyên liệu giấy này phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Những hộ dân tham gia trồng, chăm sóc vùng nguyên liệu giấy nay đã không còn mặn mà với dự án.
Dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Tân Mai được triển khai xây dựng đầu năm 2009 diện tích hơn 157 ha, công suất 130.000 tấn/năm. Sau nhiều lần được tỉnh Kon Tum gia hạn cấp giấy phép đầu tư nhưng dự án này vẫn chậm tiến độ. Nằm ở giữa bãi đất rộng được quây bằng lưới B40 và dây thép, có hàng lô thiết bị đồ sộ in dòng chữ "Tập đoàn Tân Mai" nằm phơi nắng sương nhiều năm nay, khiến một số thiết bị đã hoen rỉ và biến dạng. Bên cạnh bãi thiết bị là hai công trình xây dựng dở dang.
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum có đi kiểm tra về việc thực hiện tiến độ của dự án, đồng thời tiếp tục cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và cấp thay đổi giấy chứng nhận đầu tư vào 31/8/2017, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án xuống còn 1.300 tỷ đồng và diện tích đất là 57 ha. Khi kiểm tra và làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Tân Mai cũng cam kết thực hiện xây dựng dự án đúng tiến độ và vận hành chạy có tải vào Quý I/2020. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu đơn vị này "cam kết" nên bao giờ nhà máy đi vào hoạt động thì người dân Kon Tum mới tin là thật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo