Dù lãi lớn vẫn cần bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco
Trả lời báo chí trước ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk, Sabeco đang làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách rất lớn, thì chưa nên bán, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại không tán thành quan điểm này.
Bởi theo bà, nếu để Vinamilk ra thị trường hoàn toàn, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thì tổng thể đất nước này sẽ có lợi hơn, người tiêu dùng có lợi hơn, nhà nước cũng thu thuế nhiều hơn. Và khi bán hết vốn nhà nước, Nhà nước cũng sẽ rảnh tay hơn để làm những việc khác.
"Ví dụ vừa qua khi bà Mai Kiều Liên đến tuổi về hưu theo quy định với cán bộ, công chức, nhà nước muốn bà nghỉ, nhưng các cổ đông Vinamilk vẫn quyết định giữ lại bà làm Tổng Giám đốc. Nhà nước không còn cần can thiệp và cũng chẳng phải ôm trách nhiệm về những việc như vậy nữa. Doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm, và trong vấn đề này, họ “khôn” hơn các cơ quan nhà nước nhiều", bà Lan dẫn chứng.
Cũng theo vị chuyên gia, với Sabeco, doanh nghiệp này đang làm trong một lĩnh vực có thể gọi là siêu lợi nhuận. Bán đi, họ có hệ thống quản trị đàng hoàng, minh bạch hơn, có động lực làm lãi nhiều hơn, nhà nước sẽ thu thuế nhiều hơn từ họ. Đồng thời lại tránh được những vụ lùm xùm gây tai tiếng như chuyện nhân sự ở doanh nghiệp đó thời gian qua.
"Tôi cũng biết có những doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 20% cổ phần của nhà nước, nhưng họ khổ sở với số phần trăm đó, vì nhiều khi người đại diện vốn nhà nước lại cản trở việc đổi mới công nghệ, do sợ đầu tư bị thua lỗ, chỉ muốn an toàn. Nhưng trên thương trường, không chấp nhận rủi ro, không dám đổi mới thì không thể thành công. Vấn đề là, công chức nhà nước không thể giỏi chuyện kinh doanh bằng DN, nên Nhà nước không nên thành người gây trở ngại cho sự phát triển của DN theo kiểu như vậy", bà Lan phân tích.
Lên sàn trước khi bán vốn mới chống được "lợi ích nhóm"
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến về liên quan đến việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco và Habeco. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước nói chung.
Đối với việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước.
Theo Thủ tướng, ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, sau khi bán vốn nhà nước.
Đánh giá về việc này, bà Phạm Chi Lan cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng không chỉ tác động tới khu vực doanh nghiệp nhà nước mà còn tác động mạnh mẽ tới cả nền kinh tế, cần nhận được sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống, đặc biệt các cơ quan bên Đảng và Quốc hội.
Theo bà Lan, việc bán vốn nhà nước không khó, nhưng khó hơn là làm sao bán được một cách công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích chung cao nhất, và những chỉ đạo của Thủ tướng đều hướng tới mục tiêu đó. Việc Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước là giải pháp trúng. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa cố tình lờ niêm yết, bởi niêm yết là kênh buộc họ phải minh bạch hóa cao, với những tiêu chí và trách nhiệm rõ ràng, thêm sức ép để họ phải minh bạch, giúp các nhà đầu tư và xã hội dễ giám sát hơn.
Nhiều chuyên gia vẫn đề nghị nhà nước cần buộc các doanh nghiệp nhà nước ít nhất phải minh bạch như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp vẫn nói họ minh bạch, nhưng thông tin do họ công bố rất mù mờ, tiến độ cung cấp thông tin tùy tiện, không đủ để nhà nước và xã hội giám sát. Họ có động lực để trì hoãn việc niêm yết, vì những lợi ích riêng.
Mặt khác, việc niêm yết cũng sẽ giúp định giá cổ phiếu chính xác hơn, tránh thất thoát tài sản nhà nước khi bán vốn.
Theo bà Lan, việc mở rộng đối tượng được tham gia mua cổ phần cũng rất tốt. Lâu nay nhiều trường hợp cổ phần hóa mang tính chất khép kín, thậm chí có tình trạng “hôn nhân cùng huyết thống” khi doanh nghiệp nhà nước này mua của doanh nghiệp nhà nước kia, biểu hiện lợi ích nhóm rất rõ. Muốn phá vỡ lợi ích nhóm thì phải mở rộng đấu thầu cho các nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh. Đấu giá công khai là biện pháp tốt nhất để tránh tình trạng “người nhà” thâu tóm cổ phiếu với giá rẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo