Du lịch

Giải pháp nào “chắp cánh” cho du lịch Việt?

DNVN - Sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế, cùng với một định hướng phát triển phù hợp sẽ “chắp cánh” cho du lịch Việt Nam.

Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch Việt khai thác thị trường Nga / Giá máy bay tăng cao dịp lễ: Nên đi du lịch theo hình thức nào để tiết kiệm chi phí?

Du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Việt Nam sở hữu 3.260 km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá trải rộng khắp cả nước. Nếu được đầu tư tốt về hạ tầng, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh.

Thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch thời gian qua đã có bước tăng trưởng vượt bậc.

Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng, với nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, FLC, VinaCapital... Trong đó, nhiều dự án du lịch đã được thế giới bình chọn, vinh danh là khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới.

Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long... cũng như nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam.

Du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn.

Xét trên góc độ nguồn lực đầu tư, lực lượng doanh nghiệp và nhân lực du lịch ngày càng lớn mạnh. Quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 cơ sở năm 2010 lên 33.330 năm 2022, với 667.000 buồng, phòng.

Tính đến hết năm 2022, số lượng cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa do các địa phương cấp phép.

“Hệ thống điểm đến quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế cũng đã được hình thành, với cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng. Du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn khi góp phần tạo việc làm, thúc đẩy các ngành và lĩnh vực liên quan phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường”, ông Siêu cho biết.

Điểm đáng tự hào là, trong 5 năm gần đây, Việt Nam 3 lần được tôn vinh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Tháng 2/2023, Việt Nam đã nhận nhiều giải thưởng du lịch ASEAN, bao gồm: Giải thưởng Homestay ASEAN, Giải thưởng Du lịch ASEAN, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, Giải thưởng Dịch vụ spa ASEAN.

Những thành tích trên đã khẳng định sự phục hồi của ngành du lịch, khẳng định quyết tâm của Việt Nam khi mở cửa du lịch, chào đón du khách đến và trải nghiệm các dịch vụ xanh, đẹp, đẳng cấp, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.

Gỡ rào cản, đưa du lịch “cất cánh”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2023, toàn ngành du lịch tập trung vào việc công bố Quy hoạch Hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng ngành du lịch đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để du lịch "cất cánh".

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam.

Công tác xúc tiến quảng bá đã và đang được tiến hành tích cực với hàng loạt hoạt động như diễn đàn, hội chợ trong nước và quốc tế.

Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.

Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thị trường trọng điểm như: ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang phối hợp với các ngành liên quan, trong đó có ngành giao thông để đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối điểm đến, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đặc sắc, chuyên biệt để làm quà tặng cho du khách.

Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2023 ước đạt 161.000 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức 140.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.

Ngày 2/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

“Những giải pháp này sẽ góp phần giúp ngành du lịch đạt được mục tiêu đến năm 2025, du lịch phục hồi và đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm”, ông Siêu kỳ vọng.

Hoài Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm