Hỗ trợ doanh nghiệp

Dự thảo quy định quản lý đối với Grab - Uber vẫn tiếp tục đình trệ

(DNVN) - Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo quy định quản lý với Grab - Uber.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, ngày 19/4/2017 Bộ GTVT đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô).

Bộ GTVT đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm một số nước đồng thời tổng kết đánh giá nội dung thí điểm ứng dụng công nghệ trong kết nối trong hoạt động vận tải thời gian qua. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo quy định quản lý đối với Grab – Uber vẫn tiếp tục đình trệ.

Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định để có cơ sở tổng hợp, hoàn thiện nội dung Nghị định. Cụ thể, thời gian bắt đầu từ ngày 3/1/2018 đến hết ngày 3/3/2018.

Trong khi đó, Dân trí cho hay, việc thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó có loại hình Uber – Grab được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện trong tháng 2/2018. Sau khi lấy ý kiến thẩm định các Bộ liên quan và UBND TP.HCM và Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuyển cho Bộ Tư pháp thẩm định. Khi có kết quả thẩm định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Như vậy, sau hơn 2 năm tranh cãi về tính pháp lý của loại hình vận tải bằng ôtô mới với Uber, Grab, đến nay, dự thảo Nghị định thay thế của Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa được hoàn thiện.

Hoạt động của Grab và Uber là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ loại hình vận tải hành khách nào đang được pháp luật quy định. Thế nhưng, nó cũng không phải là một hoạt động phạm pháp.

Lợi ích của loại hình taxi này là quá lớn, nhiều người cho rằng, nó là loại hình dịch vụ an toàn, tiện lợi và chi phí thấp.

 

Sau 3 năm xuất hiện, Uber và Grab đã thay đổi thói quen di chuyển của người dân. Ảnh: Kênh 14.

Theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ GTVT đồng ý Grab, Uber được quyền hoạt động tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Sau 2 năm được cấp phép hoạt động, sự phát triển của hai công ty này tại mỗi địa phương tuy có khác nhau nhưng đều tồn tại nhiều vấn đề với cơ quan quản lý.

Ngoài 2 công ty Grab và Uber còn có 8 đơn vị trong nước đăng ký tham gia Đề án của quyết định số 24/QĐ-BGTVT là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có tổng số 866 đơn vị kinh doanh vận tải với hơn 36.809 phương tiện tham gia Đề án của quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm với 15.064 xe tham gia thí điểm. Trên địa bàn TP.HCM có 506 đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm với 21.601 xe thí điểm. Tỉnh Quảng Ninh có 4 đơn vị vận tải, 2 đơn vị cung cấp phần mềm, 62 xe tham gia. Còn lại, số lượng xe tham gia thí điểm ở tỉnh Khánh Hòa là 100 và hai đơn vị vừa là doanh nghiệp vận tải vừa là nhà cung cấp phần mềm.

Nên đọc
Lê Kha (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo