Hỗ trợ doanh nghiệp

Đừng vẽ màu xám cho FDI

Bức tranh màu xám về FDI như hiện nay của TP.Hồ Chí Minh không chỉ là lỗi của doanh nghiệp mà còn do cách quản lý của cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh, 25 năm qua, tính tới tháng 9/2012, TP.Hồ Chí Minh đã thu hút 4.402 dự án FDI với tổng số vốn gần 31,7 tỉ USD. Riêng 9 tháng đầu năm, đã có 278 dự án FDI được cấp mới và 85 dự án được điều chỉnh tăng vốn, nâng tổng số vốn FDI lên hơn 1,07 tỉ USD.



Hai mặt của... một vấn đề



Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết : Hiện tại, cả nước có hơn 14.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 206 tỉ USD. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh đã có 4.402 dự án FDI với tổng số vốn gần 31,7 tỉ USD. Trong đó chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo, tiếp đến là ngành dịch vụ và nông lâm ngư nghiệp.



Tuy nhiên, kết quả đầu tư không như mong muốn. “Đầu tư vào khâu chế biến, sản xuất nông lâm thủy sản đang giảm mạnh do chính sách khuyến khích đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Còn trong công nghiệp chế tạo, TP.Hồ Chí Minh mong muốn thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ nhưng sau 25 năm, kết quả vẫn chỉ là nhập khẩu các thiết bị máy móc lắp ráp trong nước” - ông Hoàng đánh giá.



Ngoài ra, tại thành phố, vốn FDI đăng ký khá nhiều, hơn 37 tỉ USD, nhưng thực hiện ít, mới đạt trên 50%. Các dự án FDI không những trình độ công nghệ thiếu tiên tiến mà còn lạc hậu. Một số nhận định gần đây còn cho rằng, cứ đà này, không bao lâu nữa, TP.Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ trở thành “bãi rác” của thế giới.

 

Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư không nên vẽ toàn màu xám cho bức tranh đầu tư FDI mà cần phải nhìn nhận khách quan. “Chỉ nói tới vấn đề ô nhiễm mỗi trường, doanh nghiệp FDI chế biến, sản xuất ảnh hưởng đến môi trường là bị cho lên báo ngay.

 

Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh thì các doanh nghiệp FDI chỉ “đóng góp” 30% vào việc gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp nội chiếm hơn 60% còn lại. Và hiện vẫn chưa thể thống kê được danh sách các doanh nghiệp nội gây ô nhiễm”.



Bức tranh màu xám về đầu tư nước ngoài như hiện nay của TP.Hồ Chí Minh cũng là do quản lý của thành phố kém hiệu quả. Khâu cấp phép chặt chẽ nhưng khâu kiểm tra, giám sát sau cấp phép về : môi trường, lao động, đất đai… chưa sâu sát.

 

Ngoài ra, năng lực và hiệu quả của các dự án FDI cũng không được đánh giá trong quá trình thực hiện dự án, thiếu rào cản kỹ thuật. “Chẳng hạn như, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực thành phố đang khuyến khích đầu tư nhưng lại thiếu các điều kiện đảm bảo cho hoạt động dự án. Chính vì thế, đầu tư y tế tràn lan nhưng lại thiếu các bệnh viện có hạ tầng tốt” - ông Lư Thanh Phong, PGĐ Sở KH-ĐT TP.Hồ Chí Minh giải thích.



Quan trọng là hiệu quả nguồn vốn


Để đánh giá cả quá trình 25 năm thu hút đầu tư FDI tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố cho rằng, không nên đứng ở thời điểm hiện tại mà nhìn nhận. Bởi mỗi giai đoạn, nhu cầu về nguồn vốn FDI khác nhau.

 

“Ngày trước, hễ có nhà đầu tư nào đến hỏi xin lập dự án với nhu cầu sử dụng 10.000 lao động là mừng lắm. Tìm mọi cách giữ chân nhà đầu tư để giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh. Nhưng nay, dự án nào nhiều lao động là tỉnh lại “ngại” cấp phép” - vị này giải thích thêm.



Trong cả quá trình 25 năm, FDI đã đóng góp to lớn cho tăng trưởng nhiều mặt của TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, FDI đã mở đường cho hình thức đầu tư kinh doanh mới tạo ra nhiều việc làm cùng sự phát triển năng động, nâng cao vị thế của TP trong vai trò đầu tàu của vùng kinh tế Đông Nam Bộ.



Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng đề án đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và định hướng đến năm 2020.


Để thu hút được các nhà đầu tư lớn trên thế giới, đạt hiệu quả đầu tư FDI như mong muốn, theo ông Lâm Văn Tiếp - Phó Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, những ưu đãi về thuế, vùng miền, ưu đãi khu công nghiệp… cho các dự án FDI phải rõ ràng, xuyên suốt và thống nhất.

 

Do đó “cần ưu đãi riêng cho các dự án FDI có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao. Trong thời gian tới, nên đề xuất giao cho Thủ tướng Chính phủ hoặc một cơ quan của Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm nhiệm vụ cấp phép cho một số dự án đặc biệt, có vốn đầu tư lớn nhưng vướng cơ chế, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thu hút được vốn từ những dự án này” - vị này hiến kế.



Thời gian gần đây, một số chính sách về thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế… thay đổi thường xuyên, làm môi trường thu hút đầu tư cũng bị hạn chế. Chẳng hạn, theo quy định, khi đăng ký lại dự án, thì các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư được giữ nguyên. Trong khi đó, mới đây, Bộ Tài chính quy định, tiền thuê đất sẽ thay đổi 5 năm một lần. Như thế, sẽ khiến nhà đầu tư không an tâm và mặn mà với môi trường đầu tư của TP.Hồ Chí Minh.



Ông Phong cho biết, trong thời gian tới, sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách ưu đãi đối với đầu tư FDI và kiến nghị Bộ sớm ban hành Luật sửa đổi các luật liên quan đầu tư FDI. Theo đó, sẽ thu hút đầu tư FDI có định hướng và tạo cơ chế đặc biệt cho những nhà đầu tư tiềm năng.



Cũng theo ông Phong, khi thu hút đầu tư FDI thì phải đặt ra mục tiêu cụ thể để từ đó có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà đầu tư đáp ứng được mục tiêu Nhà nước đặt ra. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra những rào cản kỹ thuật để hạn chế những dự án nhỏ, không có công nghệ tiên tiến.

 

“Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư khoảng 5.000 - 10.000 USD mà vẫn phải cấp phép đầu tư, không có một lý do nào để từ chối. Trong khi đó, thành phố lại luôn muốn thu hút đầu tư công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao” - ông Phong nói.


Sắp tới, TP.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ hình thành một khu công nghệ cho Nhật Bản chuyên về công nghiệp hỗ trợ. Thành phố cũng đã tổ chức các đoàn đi Nhật để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại TP.Hồ Chí Minh.

 

 

Theo DĐDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo