FDI: Thảm đỏ và công nghệ xám
Tụt hậu với chính mình
Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu nền kinh tế Việt đứng vững trên đôi chân của mình.
Tại hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài” mới đây, ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào bức tranh không chỉ màu hồng của việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI: “Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi, sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới”.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam rất thấp, tụt hậu so với chính mình và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng thứ 57 trên thế giới về tiêu chí này, nhưng chỉ 5 năm sau, chúng ta đã tụt xuống vị trí 103.
Trong thời điểm này, Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Campuchia thứ 44. Theo số liệu của chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ có “vòng đời” trong vòng 5 năm trở lại đây rất thấp. Một số liệu khác cũng từ địa chỉ này, về chất lượng của các công nghệ được chuyển giao, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao.
Nhìn lại thực tiễn, thông thường, việc chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua việc mua bán công nghệ trên thị trường và qua các dự án liên doanh với doanh nghiệp FDI.
Ở khía cạnh thứ nhất, số liệu công bố giữa năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu đến 2-3 thế hệ, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ cũ được tân trang lại.
Trung Quốc, quốc gia bậc thầy trong việc tận dụng cả những thứ phế phẩm của nền sản xuất đã chuyển đổi sang trình độ cao hơn, họ thạo thuộc thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam trong nhiều năm. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã nhận định đúng thực tế, Việt Nam đang là bãi đỗ của rác thải công nghệ Trung Quốc.
Hiệu ứng domino xảy ra trong việc nhận chuyển giao công nghệ qua các dự án của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam không có và khó có thể lập rào cản công nghệ với dự án đầu tư nước ngoài, chấp nhận cả những dự án dùng công nghệ cũ và lạc hậu, không chỉ châu Âu mà cả Trung Quốc.
Việc Thông tư 23/2015 của Bộ Khoa học Công nghệ với quy định không nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm phải sửa đổi có phần không nhỏ sức ép từ phía các doanh nghiệp FDI chứng tỏ, tâm lý “cũ người, mới ta” vẫn còn rộng đất sống và yếu tố công nghệ cao, bắt kịp sự phát triển của thế giới vẫn còn lận đận ở hàng ưu tiên cuối cùng.
Thứ hai, với nền tảng công nghệ lẹt đẹt, việc những đại diện của kinh tế Việt Nam chỉ tham gia vào khâu làm bao bì cho Samsung không gây nên sự bất ngờ nào. Tỉ lệ nội địa hóa được các doanh nghiệp FDI báo cáo cần được hiểu tương tự như niềm tự hào về những chiếc điện thoại thương hiệu nổi tiếng thế giới “Made in Vietnam”.
Tự thu hẹp cơ hội của doanh nghiệp trong nước
Chúng ta còn tự thu hẹp cơ hội lớn lên của các doanh nghiệp trong nước ngấp nghé tham gia thị trường công nghệ phụ trợ cho khối doanh nghiệp FDI bằng chính sách chào đón và ưu đãi cả đầu tư nước ngoài trong địa hạt này. Kể cả trong viễn cảnh lạc quan nhất, doanh nghiệp Việt vẫn khó có thể tham gia vào những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI.
Xét từ phía nhà đầu tư, ở bất cứ quốc gia nào, cam kết chuyển giao công nghệ được ghi nhận không nhiều giá trị hơn những lời ngoại giao dễ nghe. Đầu tư ra nước ngoài với mục tiêu tối thượng là tìm kiếm lợi nhuận mà công nghệ là con bài tẩy, dù doanh nghiệp bản địa có khả năng hấp thụ, sự chuyển giao công nghệ không dễ gì được vận hành. Việt Nam chắc chắn không phải là ngoại lệ.
Đương nhiên, không phải không có giải pháp. Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, đưa ra hướng tiếp cận chủ động. Theo đó, Việt Nam cần phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do ký với châu Âu, Nhật…, những quốc gia có công nghệ nguồn. Chúng ta phải nhập được những công nghệ đó theo yêu cầu của thị trường, tự giác hòa nhập vào dòng chảy công nghệ thế giới.
Ngáng trở trong kế hoạch này nằm ở quy mô và tham vọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Không được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi, ân hạn dài, lựa chọn công nghệ giá rẻ, vòng đời ngắn là chuyện đương nhiên.
Họ không đặt kỳ vọng tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh với hàng hóa hạng trung cấp, thậm chí, thấp cấp của các nền kinh tế phát triển hơn như Trung Quốc hay Thái Lan nhưng mục đích hiện hữu là duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Sẽ là sự phát triển kiểu con rắn tự cắn đuôi mình, nhưng có vẻ khó có lựa chọn khả quan hơn.
“Như vậy, Việt Nam cần căn cứ vào cung cầu trên thị trường công nghệ để có một chính sách hỗ trợ bằng tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường và tư vấn thông tin giúp các doanh nghiệp có 100% vốn trong nước, tiếp cận và lựa chọn được công nghệ hiện đại, phù hợp với trình độ của họ và có khả năng đáp ứng yêu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp FDI cũng như thị trường trong nước. Quyết tâm thì chúng ta đã có nhưng biện pháp cụ thể vẫn còn mờ nhạt”, ông Thắng nhận định.
Một cách tiếp cận khác là học tập Trung Quốc, một điển hình hiểu theo cả hai nghĩa tốt và xấu trong việc nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài việc học lóm công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp ngoại, đó là lý do chính tạo nên bước nhảy vọt về công nghệ của quốc gia có xuất phát điểm công nghệ tụt hậu rất xa so với phương Tây này.
Không thể so sánh với Trung Quốc, thế nhưng, với dân số 100 triệu dân, quy mô thị trường Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Đáng tiếc là, niềm hào hứng với những thành tích kinh tế do khối FDI mang lại khiến chúng ta chưa tận dụng tốt quyền mặc cả này. Điều này có thể thay đổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo