Hỗ trợ doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”

(DNVN) - Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, vấn đề thuế phí đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”.

Những thông tin về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra ngày 23/8 sẽ khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải giật mình.

Cụ thể, theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Nói về những thông tin này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông không dám tin đó là sự thật và hy vọng những con số khảo sát này sai bởi nếu đúng thì đây là điều chúng ta hết sức lo ngại.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP.

"Chúng ta nên nhìn nhận con số đó một cách khách quan, đúng sai và mức độ chính xác đến đâu không quan trọng; đó là một lời cảnh báo và đứng ở góc độ các cơ quan quản lý cơ chế chính sách cần suy nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn ở chỗ nào một cách tích cực thay vì cố gắng bào chữa số này đúng số kia sai, số này chưa đúng, chưa chuẩn xác. Tôi cho rằng, từng đơn vị một, từng lĩnh vực một rà soát lại để tìm cái mà mình làm tốt hơn được cho cộng đồng doanh nghiệp, nhìn ở góc độ đấy tích cực hơn", ông Đông cảnh báo.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, không phải bây giờ Ngân hàng Thế giới mới công bố những báo cáo như vậy, trong thời gian đầu cũng gặp rất nhiều phản ứng khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở cả các nước khác trên thế giới.

"Tôi cho rằng bất kể phương pháp gì nó cũng không thể hoàn thiện được nhưng đây sẽ là một thực tế. Vì cách làm của Ngân hàng Thế giới là không dựa nhiều vào quy định pháp luật mà dựa vào thực tế, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật", ông Hiếu nói.

Lấy dẫn chứng, ông Hiếu cho biết, để thực hiện một thủ tục hành chính, luật có thể quy định 3 - 5 ngày nhưng trên thực tế khi họ đo lường doanh nghiệp thì đi thực hiện một thủ tục hành chính có thể kéo dài từ 7 -10 ngày, thậm chí cao hơn. Khi đo lường như vậy, có những con số nên ghi nhận và coi đây là một thực tế, có thể không phải phổ biến, không phải chung cho tất cả nền kinh tế nhưng là một vấn đề cần giải quyết.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, có những khoản như chi phí của Việt Nam (ví dụ như chi phí tiếp cận điện năng) đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

 

Nói về vấn đề này, ông Ngô Văn Điểm - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà nó ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp bởi chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Đồng thời, chi phí cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, do đó đời sống khó được cải thiện.

Theo ông Điểm, chi phí điện năng là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiết kiệm điện năng của nước ta vẫn ở mức trung bình thấp (98/190 nước). Điện năng là một trong những chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nói về chi phí chính thức và chi phí không chính thức mà nhiều doanh nghiệp đang phải gánh, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, 2 loại chi phí này nếu không được kiểm soát thì sẽ đều không có lợi cho dân và cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Hiếu cho rằng, về chi phí chính thức, đôi khi xã hội nhìn con số rất trực quan, ví dụ như thuế, lệ phí. Cả 2 chi phí đó chỉ là một phần của chi phí chính thức trong một con số khổng lồ hơn. Một chi phí chính thức mà rất khó hình dung đó là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội và con số đấy như tôi suy nghĩ nó lớn hơn rất nhiều với con số chính thức.

"Ví dụ nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi doanh nghiệp mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó thì nhân ra tiền khoảng 200.000/ người/ ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 doanh nghiệp cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỷ. Vậy chi phí chính thức mà ít khi chúng ta lượng hóa được lại là một con số rất lớn", ông Hiếu dẫn chứng.

 

"Khi anh thực hiện 1 thủ tục hành chính, anh không biết được nó có thành công hay không nhưng như vậy là đã có thể mất đi cơ hội kinh doanh của một doanh nghiệp, mất đi cơ hội của một số lượng lao động nhất định", ông Hiếu nói thêm.

Minh Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo