Hỗ trợ doanh nghiệp

GE tìm lại ánh hào quang sau nhiều thăng trầm

Mã cổ phiếu (GE) của "ông lớn" General Electric (GE) đã chính thức bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ vào ngày 26/6.

Sau thời gian dài trượt giá thê thảm, mã cổ phiếu (GE) của "ông lớn" General Electric (GE) đã chính thức bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ vào ngày 26/6, chấm dứt hơn một thế kỷ là thành viên của chỉ số danh giá này.

Sẽ không ít người đặt dấu hỏi vì sao " đế chế" hùng mạnh mà GE mất nhiều công sức gây dựng trong ngành công nghiệp Mỹ lại có ngày nhận "trái đắng" như vậy. 

Ảnh: Yahoo Finance.

Nhìn lại thời hoàng kim

GE được thành lập năm 1892 tại Schenectady, New York (Mỹ) và hiện có trụ sở chính đặt tại Boston, bang Massachusetts, Connecticut (Mỹ).

Tập đoàn này là kết quả của việc sáp nhập giữa hai công ty Edison General Electric do nhà phát minh thiên tài Thomas Edison sáng lập và công ty Thomson – Houston Electric do hai nhà sáng chế Elihu Thomson và Edwin Houston sáng lập, sau đó được mua lại và điều hành bởi Chales Coffin.

GE hoạt động trong những mảng chính gồm năng lượng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, tài chính và tiêu dùng công nghiệp. Tất cả mọi lĩnh vực GE tham gia đều sinh lời, mang đến lợi ích cho nhà đầu tư, bất chấp khủng hoảng, những thay đổi lớn về công nghệ và sự sụp đổ của ngành sản xuất Mỹ vào cuối thế kỷ XX. 

Đáng chú ý, trong thập kỷ vừa qua, GE đã có tới sáu lần đứng ở vị trí đầu tiên trong các cuộc bình chọn và khảo sát về những công ty được ngưỡng mộ và yêu thích nhất trên thế giới do tạp chí Fortune thực hiện (lần mới nhất là năm 2002).

 

Tập đoàn này cũng được vinh danh ở vị trí cao nhất tới bảy lần trong vòng tám năm qua tại cuộc khảo sát tương tự của Financial Times.

Bí quyết để một tập đoàn không phải là lớn nhất, cũng không có tốc độ phát triển nhanh nhất, đạt được những thành tích đáng tự hào như vậy chính là phương thức quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng nhìn nhận được điều này, nhưng GE lại đi đầu trong việc thực hiện chúng. 

Theo Charles Coffin, lãnh đạo của GE từ năm 1892 đến năm 1912, GE đã đặt ra các nguyên tắc trong việc thiết kế cách tổ chức doanh nghiệp và định hướng cho các công ty lớn khác. Tập đoàn này đã áp dụng các kế hoạch lương, tiền thưởng, lương hưu dựa trên lợi nhuận nhằm giữ chân nhân tài và tạo mối quan hệ tốt với nhân viên. 

Những làn gió ngược

Các “vết nứt” bắt đầu xuất hiện khi GE phải nhờ đến sự trợ giúp về tài chính từ Chính phủ Mỹ và tỷ phú Warren Buffett vào năm 2008- giữa lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

 

Rắc rối tiếp theo GE phải đối mặt đến từ khoản đầu tư lớn vào mảng năng lượng khí tự nhiên của Alstom. Trong khi đó, lượng tua-bin tồn kho của GE quá nhiều và kết quả kinh doanh thấp hơn cũng khiến dòng tiền mặt của GE giảm 3 tỷ USD. 

Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016, giữa lúc thị trường chứng khoán bùng nổ với chỉ số Dow Jones tăng tới 41%, GE lại đánh mất 46% giá trị của mình, tương đương 120 tỷ USD.

Một vài tháng sau khi CEO Jeffrey Immelt từ chức vào mùa Hè năm ngoái, GE khiến Phố Wall bị sốc khi công bố kết quả kinh doanh không bằng một nửa mức kỳ vọng của giới phân tích. Kế đó, GE tuyên bố sẽ tạm dừng trả cổ tức vì thiếu tiền mặt. 

Tới tháng 1/2018, GE phải chịu khoản phạt lên tới 6,2 tỷ USD liên quan đến các chi phí phát sinh hơn 10 năm trước của mảng kinh doanh dịch vụ tài chính. Thông báo đã khiến Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ phải mở một cuộc điều tra.

Lúc đó, CEO mới của GE là John Flannery đã trấn an rằng "tất cả các lựa chọn đều đang được cân nhắc", bao gồm cả lựa chọn mà trước đây chưa từng ai nghĩ đến là chia nhỏ tập đoàn thành các công ty con, hoạt động độc lập để cứu vãn tình hình. 

 

Nỗ lực làm mới mình

Và cái kết chờ sẵn GE cũng đã tới khi S&P Dow Jones Indices thông báo kể từ ngày 26/6/2018, mã cổ phiếu GE sẽ được thay thế bằng mã cổ phiếu của chuỗi bán lẻ dược phẩm Walgreens Boots Alliance - được đánh giá là sẽ đóng góp "có ý nghĩa hơn" cho chỉ số Dow Jones.

Trong hai năm qua, giá cổ phiếu của GE liên tục giảm, có lúc mất tới gần 60% giá trị so với mức đỉnh hồi tháng 7/2016, do kết quả làm ăn thất bát của các doanh nghiệp sản xuất điện và dầu khí. Bản thân GE mới đây cũng đã phải chuyển nhượng một số doanh nghiệp và thoái vốn phần lớn hoạt động kinh doanh tài chính. 

Nhưng không dễ để “già làng” công nghiệp GE gục ngã. Bất chấp việc bị loại khỏi chỉ số Dow Jones, cổ phiếu của GE vẫn tăng 7,8% trong phiên 26/6, sau khi tập đoàn công bố kế hoạch "giã từ" mảng kinh doanh về chăm sóc sức khỏe, đồng thời tách khỏi công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, vốn do GE chiếm đa số cổ phần. 

Tháng trước, GE thông báo sẽ hợp nhất nhánh kinh doanh vận tải của mình với nhà sản xuất đường sắt Wabtec trong một thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD. Mới đây, GE cũng vừa công bố việc bán mảng kinh doanh thiết bị điện và tua-bin khí cho Advent International với giá 3,25 tỷ USD.

 

Những quyết định này cho thấy CEO John Flannery đang nhanh chóng vào cuộc để giải quyết các vấn đề mà những người tiền nhiệm đã để quá lâu mà không tìm được giải pháp.

Nên đọc


Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo