Hỗ trợ doanh nghiệp

Giá cước 3G cần hợp lý và sòng phẳng với khách hàng

Hàng chục triệu người dùng mạng di động 3G ở Việt Nam đang lo lắng sau khi ban tổ chức cuộc khảo sát thị trường “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014”.

Kết quả công bố kết quả vào chiều 23-4-2015 với những số liệu “quá đẹp”, được cho là dọn đường cho việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G một lần nữa.

 

Theo đó, có tới 92% số người tham gia khảo sát trả lời họ chấp nhận tăng cước 3G, trong đó có 82% nói họ chịu được mức tăng từ 5% trở xuống.

 

Kết quả “vàng” này có được từ câu hỏi mang tính dẫn dắt và đóng khung: “Nếu giả sử nhà cung cấp 3G mà anh/chị sử dụng thường xuyên dự định tăng giá cước thì tăng bao nhiêu là có thể chấp nhận được?”.

 

Còn nhớ, trong lần các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G trước đây (ngày 16-10-2013), các nhà mạng cũng phân bua là giá cước 3G ở dưới giá thành.

 

Gần một tháng trước khi tăng giá, có nhà mạng thông qua báo chí cho biết giá cước 3G ở Việt Nam lúc đó thấp hơn 10 lần so với Trung Quốc và thấp hơn 40 lần so với châu Âu.

 

Lúc đó, Bộ Thông tin - truyền thông đã xác nhận giá thành trung bình của dịch vụ 3G vào năm 2013 là 184,4 đồng/MB (đã có VAT). Nhưng sau khi tăng giá, giá bán bình quân vẫn chỉ có 111 đồng/MB.

 

Nếu so sánh theo tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, giá cước 4,8 USD/tháng của Việt Nam chỉ bằng 34% (trả trước) và 57% (trả sau) so với mặt bằng giá chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Tất nhiên không thể so sánh đắt rẻ chỉ dựa trên các con số cơ học, vì còn phải tính tới mặt bằng giá, mức sống, mức thu nhập của người dân mỗi nước, cũng như chất lượng dịch vụ của từng nhà mạng.

 

Chỉ có điều, cho dù so sánh cách nào đi nữa, giá cước 3G ở Việt Nam chưa hẳn đã rẻ so với những nước xung quanh.

 

Vậy thì liệu giá thành 3G mà các nhà mạng đưa ra đã hợp lý hay chưa? Giá thành của một sản phẩm hay dịch vụ được tổng hợp từ nhiều chi phí và yếu tố. Vấn đề là các chi phí đó được tính như thế nào?

 

Phải chăng dự định tăng giá cước 3G lần này có liên quan tới việc mạng 4G sẽ được triển khai ở Việt Nam vào năm 2016? Hoặc là do các nhà mạng muốn nhanh chóng thu hồi được vốn đầu tư cho hệ thống mạng 3G trước khi mạng 4G hoạt động, hoặc là họ cần có nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho mạng 4G.

 

Việc ba nhà mạng di động lớn nhất và nắm thị phần chi phối thị trường (Viettel hiện nắm 50% thị phần, Vinaphone 21%, MobiFone 18%) cùng tài trợ cho một cuộc khảo sát thị trường được cho là nhằm chuẩn bị dư luận cho việc tăng giá cước 3G dễ khiến mọi người nghi ngờ có sự bắt tay nhau, thậm chí là “lợi ích nhóm”.

 

Tất nhiên, trong kinh doanh với cơ chế thị trường, chuyện tăng giảm giá là điều bình thường, kể cả do yếu tố cạnh tranh lẫn nhau. Khi mặt bằng giá chung và các nguồn chi phí tăng lên, nhà kinh doanh có quyền và phải tính toán để tăng giá.

 

Nhưng vấn đề là nhà kinh doanh phải tăng giá hợp lý, sòng phẳng và minh bạch. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ giá cả của các nhà cung cấp dịch vụ, từ giá thành cho tới giá bán, tất cả đều phải hợp lý và chấp nhận được.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo