Văn hóa

Giải mật nghệ thuật sinh tử trong văn hóa huyền bí ở Tây Tạng

Nghệ thuật sinh tử và thành phố Lhasa là hai trong những nét văn hóa bí ẩn nhất của vùng đất Tây Tạng.

Quan niệm về nghệ thuật sinh tử

Người Tây Tạng thường nói đến những vấn đề siêu hình, những pháp thuật thần thông, những cõi giới vô hình một cách tự nhiên. Họ cho rằng những vấn đề này là những hiện tượng thiên nhiên bình thường hàng ngày.

Tôn giáo và các truyền thống Tây Tạng thường đề cập rất nhiều về cảnh giới bên kia cửa tử, và hầu như câu chuyện nào cũng đề cập đến cảnh giới này.

Sách vở Huyền môn Tây Tạng nói rằng, tất cả mọi người ngay khi sinh ra đã có sẵn những năng lực đặc biệt, nhưng vì không được đánh thức cho nên đã không tận dụng được nó để phục vụ cho đời sống của mình.

Ảnh: Internet.

Người bình thường chỉ biết sử dụng các giác quan thông thường của thể Xác như nghe, nhìn, nếm, ngửi, sờ mó. Nếu biết đánh thức các giác quan của thể vía (hồn) thì họ có thể cảm nhận ngay cả những gì đang xảy ra vượt khỏi giới hạn bình thường của cõi Trần, đó là ở cõi thân trung ấm hay cõi chết.

Chính cách tư duy huyền hoặc như thế được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống người dân Tây Tạng, và trở thành một "nghệ thuật đời thường" trong đời sống của họ. Văn hóa Tây Tạng vì thế mang đậm chất siêu hình, huyền thuật, và đầy thần bí của một nền văn minh rất cổ xưa và cố hữu.

Cuộc chuyển mình nhờ giao thoa văn hóa

Qua nhiều thế kỷ, văn minh Tây Tạng được phát triển theo cả những yếu tố bên trong và bên ngoài, chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn minh của các nước láng giềng, trong đó phải kể đến Nepal, Ấn Độ, và Bhutan ở phía Nam và phía Tây, Trung Quốc và Mông Cổ ở phía Bắc và phía Đông.

Vào cuối thế kỷ 7 và thế kỷ 8, sự du nhập của Phật giáo từ nước xuất xứ của nó là Ấn Độ đã đem lại một thay đổi sâu sắc đến toàn bộ đời sống của cao nguyên Tây Tạng.

 

Từ đó Phật giáo trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa nơi này, dần dà hình thành nên những biến thể văn hóa đa dạng, do sự khác biệt về địa lý và môi trường tại những khu vực khác nhau của Tây Tạng, đó là ba vùng văn hóa chính: Ü-Tsang (miền Trung và Tây của Tây Tạng), Kham (phần xa về phía Đông) và Amdo (phía Bắc).

Sự cô lập về địa lý và khó tiếp cận của Tây Tạng đã tách biệt Tây Tạng khỏi những phần còn lại của thế giới, giúp nó bảo tồn được một nền văn hóa bản địa lộng lẫy khỏi ảnh hưởng của thế giới hiện đại bên ngoài trong một thời gian rất dài.

Chính vì vậy mà Tây Tạng được mệnh danh là một trong những vùng đất linh thiêng và huyền bí nhất của thế giới. Trên vùng đất này, người dân Tây Tạng sống cùng với tinh thần của Phật giáo trộn lẫn màu sắc siêu hình của những truyền thống bản địa.

Mọi sinh hoạt của họ, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, từ tâm tư sâu kín bên trong cho đến ngôn ngữ, lời nói, cử chỉ, và hành động bên ngoài, tất cả đều thấm đẫm tinh thần từ bi của Phật giáo.

Một tác giả phương Tây đã ví Tây Tạng như một đóa hoa tuyết liên thanh khiết, âm thầm tỏa hương, giữa cái khí hậu khắc nghiệt đến khốc liệt của vùng cao nguyên Tây Tạng.

 

Lhasa – nét hấp dẫn đặc biệt trong văn hóa Tây Tạng

Lhasa - "Thành phố ánh sáng" kỳ bí ở Tây Tạng. Ảnh: Audley.

Lhasa – thủ phủ tôn nghiêm của Tây Tạng Lhasa (tib. ལྷ་ས་) là thủ đô tôn giáo và hành chính của Tây Tạng kể từ giữa thế kỷ 17, và hiện nay là thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng. Lhasa nằm dưới chân đỉnh Gephel, với nhiều địa điểm văn hóa quan trọng của Phật giáo Tây Tạng như cung điện Potala, đền Jokhang, và tu viện Norbulingka.

Lhasa là một thành phố tôn giáo tự trị độc lập, còn được biết đến với cái tên "thành phố của ánh sáng", bởi đây là nơi ánh sáng Mặt trời chiếu rọi nhiều hơn bất kỳ nơi nào thế giới.

Thành phố này nằm trên một cao nguyên cao, tuyết phủ dày đặc suốt mùa đông. Kể cả mùa hè thì thời tiết ở đây cũng rất mát mẻ. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy mặt cư dân địa phương luôn ửng hồng. Đó là do không khí ở đây loãng và khá lạnh nên có đặc điểm này.

Vùng đất này có thể nói là một sự giao nhau tuyệt vời giữa thiên nhiên, đất trời, và con người. Nơi đây còn in dấu tích của nhiều bậc chân sư vĩ đại, những dấu tích về lịch sử Phật giáo, nên đã trở thành một nơi hành hương chiêm bái của nhiều du khách trên thế giới.

 

Lhasa và vùng xung quanh bao phủ một diện tích gần 30.000 km2. Khu trung tâm thành phố rộng 544 km2 và có dân số 500.000 người, trong đó 250.000 sống trong khu vực nội thành.

Lhasa là nơi ở của người Tạng, người Hán, người Hồi, và nhiều sắc dân khác, nhưng nhóm người Tạng chiếm tới 87%.

Lhasa là nơi người Tạng sinh sống chủ yếu. Ảnh: Photography.

Là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng, gần nửa dân số của thành phố là các nhà sư. Nằm ở đáy của một lưu vực nhỏ bao quanh bởi các dãy núi, Lhasa nằm trên độ cao 3.650m so với mực nước biển, thuộc trung tâm của cao nguyên Tây Tạng. 

Những dãy núi xung quanh thành phố cao đến 5.500m. Dòng Kyi (hay Kyi Chu), một nhánh của sông Yarlung Zangbo, chảy xuyên qua thành phố. Sông Lhasa bên cạnh thành phố được người địa phương biết đến như là "những đợt sóng xanh reo vui".

Nó chảy qua những đỉnh núi tuyết phủ và những suối nhỏ trong dãy núi Nyenchen Tanglha, dài 315 km, cuối cùng đổ vào sông Yarlung Zangbo tại Qüxü, tạo thành một khu vực phong cảnh tráng lệ.

 

"Thành phố của ánh nắng" tuyệt đẹp và bí ẩn

Với địa hình bằng phẳng và khí hậu dễ chịu, Lhasa không phải chịu mùa đông khắc nghiệt và mùa hè nóng bỏng, với nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 8⁰C (43⁰F). Thành phố có khoảng 3.000 giờ nắng hằng năm, nhiều hơn hẳn các thành phố khác, do đó đôi khi còn được gọi là "thành phố của ánh nắng".

Lhasa được mệnh danh là "thành phố của ánh nắng". Ảnh: Remotelands.

Thành phố này là nơi ở truyền thống của các Đạt-lai Lạt-ma, các cung điện Potala và Norbulingka được xem là những trung tâm tôn giáo linh thiêng nhất ở Tây Tạng.

Lhasa theo nghĩa đen là "nơi ở của thần linh", mặc dù các tài liệu cổ tiếng Tây Tạng và các bản khắc cho thấy ban đầu nơi này được gọi là Rasa, nghĩa là "một địa điểm có tường bao quanh", gợi ý địa điểm này nguyên thủy là khu săn bắn bảo tồn bên trong nơi cư trú của hoàng gia trên đồi Marpori.

Có nhiều tranh luận liên quan đến sự quan trọng về địa lý của Lhasa trong lịch sử ban đầu của Tây Tạng. Cho đến giữa thế kỷ 7, Songtsen Gampo (Tùng Tán Cán Bố) trở thành lãnh đạo của Vương quốc Tây Tạng hùng mạnh xuất phát từ thung lũng sông Yarlung Tsangpo.
Sau đó, ông thành hôn với công chúa Bhrikuti của Nepal và công chúa Wencheng của nhà Đường.

 

Thông qua hai cuộc hôn nhân này, ông đã cải sang Phật giáo, cho xây dựng hai ngôi đền là Jokhang và Ramoche để đặt hai bức tượng Phật do hai nàng công chúa đem về, mặc dù vương quốc của ông vốn gồm toàn dân du mục và ông vẫn tổ chức thiết triều trong các ngôi lều lớn để có thể dễ dàng xếp lại thuận tiện cho việc di chuyển.

Từ khi triều đình này suy tàn đến lúc Đạt-lai Lạtma 5 lên ngôi, trung tâm chính trị của khu vực Tây Tạng không nằm tại Lhasa. Tuy nhiên, tầm quan trọng của Lhasa như là một trung tâm tôn giáo ngày càng trở nên rõ rệt qua nhiều thế kỷ sau đó.

Thành phố Lhasa được bao quanh bởi ba con đường làm thành ba vòng đồng tâm, được tín đồ sử dụng để đi chiêm bái vòng quanh đền Jokhang linh thiêng, nhiều người đi vài bước lại phủ phục xuống dọc theo những con đường này để tỏ lòng thành kính.

Đường vòng trong cùng, Nangkor (Nang-skor), nằm bên trong đền Jokhang, bao quanh điện thờ Jowo Shakyamuni, nơi đặt bức tượng linh thiêng nhất trong Phật giáo Tây Tạng.

Đường vòng ở giữa, Barkhor, đi qua những khu phố cổ, bao quanh đền Jokhang và nhiều tòa nhà khác ở gần đó.

 

Đường vòng ngoài cùng, Lingkor, bao quanh toàn bộ thành phố Lhasa truyền thống. Do con đường mới rộng lớn vừa được xây dựng, Beijing Lam, nên đường Lingkor ngày nay không được sử dụng thường xuyên bởi khách hành hương.

Cứ mỗi tháng Tám, lễ hội Shoton được tổ chức ở Lhasa. Đây một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở Tây Tạng từ thế kỷ 7.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, một số nhà thám hiểm phương Tây đã có những chuyến đi nổi tiếng tới thành phố này, bao gồm Francis Younghusband, Alexandra DavidNéel, và Heinrich Harrer.

Trải qua quá trình dài giao thoa văn hóa, hòa mình cùng với màu sắc siêu hình của những truyền thống văn hóa bản địa, nghệ thuật sinh tử đã trở thành một triết lý thấm nhuần trong tâm khảm của mỗi người dân Tây Tạng.

Bên cạnh đó, Lhasa cũng là một thành phố quan trọng, điểm đến lý thú cho những ai muốn tìm hiểu về mảnh đất huyền bí và con người Tây Tạng.

 

LTS: Tây Tạng là một trong những vùng đất huyền bí và linh thiêng bậc nhất trên thế giới. Nhiều người trên thế giới đã đến đây để cố gắng tìm hiểu về đặc điểm văn hóa bí ẩn.
Trong đó, thành phố Lhasa và nghệ thuật sinh tử được coi là một trong những nét văn hóa riêng có và hấp dẫn nhất ở Tây Tạng. Đó cũng chính là thông điệp mà bài viết dưới đây muốn gửi gắm.
Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo