Giảm thuế cao su về 0%:VN sập bẫy mua rẻ, bán rẻ!
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi thuế xuất khẩu mặt hàng cao su, dự kiến điều chỉnh từ mức 1% xuống còn 0%.
Theo đó giải pháp này được xem là tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp trong tình hình giá cao su giảm mạnh và lượng xuất khẩu cũng giảm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su với tổng kim ngạch 644 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo TBKTSG, trước đó VRA đã có công văn kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế xuất khẩu ba mặt hàng cao su sơ chế (latex, cao su hỗn hợp, crếp) xuống 0% để giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
VRA đưa ra đề xuất trên sau khi giá cao su trên thị trường liên tiếp giảm, từ mức trên 60 triệu đồng/tấn cách nay ba năm xuống còn dưới 40 triệu đồng/tấn hiện nay. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cao su giảm;
Từ cuối năm 2013 đến nay giá cao su tiếp tục giảm. Hiện giá cao su các loại ở các tỉnh Đông Nam bộ dao động từ 27 đến 34 triệu đồng/tấn, giảm trung bình 7 triệu đồng/tấn so với thời điểm tuần đầu tiên của tháng 6/2014.
Việc đề xuất giảm thuế khiến giới chuyên môn lại nghĩ tới tình huống đầy lo ngại đó là tình trạng mua rẻ, bán rẻ khiến cho cao su vốn giá giảm nay sẽ lại càng mất giá hơn.
Như TS Lê Đăng Doanh từng cảnh báo trong nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản, lúa gạo Việt Nam đã bị rơi vào cảnh mua rẻ, bán rẻ, ép giá làm khó nông dân.
Trong khi đó, từ những năm 2011, giới chuyên môn đã đưa ra những cảnh báo khi đó giá cao su đang ở mức cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, tuy nhiên một diễn biến bất thường về giá cao su và những bất cập trong việc tổ chức xuất khẩu của Việt Nam. Hiện có 80% cao su Việt Nam phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu sang thị trường láng giềng Trung Quốc.
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu: chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức cao su Việt Nam rơi vào cảnh lao đao. Thêm nữa, khi giá cao su tăng cao người dân thường sẽ phá bỏ các loại cây trồng khác có thu nhập thấp để trồng cây cao su, dẫn đến thực trạng cung vượt cầu, đẩy giá xuống và hiện tượng “được mùa mất giá” hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều đó quả không sai, chỉ sau 3 năm lời cảnh báo đã thành hiện thực khi giá cao su bị rớt thê thảm, nông dân nhiều nơi đã tính đến chuyện chặt phá cao su.
Tại Quảng Trị, không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.
Tại các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, nhiều người cũng đang đua nhau chặt bỏ cây cao su để trồng cây ngắn ngày. Huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có hơn 160ha cao su non bị người dân chặt bỏ, trong đó hầu như xã nào cũng có vài chục hecta cao su bị nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng khoai mì. Huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có 50ha cao su non bị đốn bỏ, chưa kể 360ha cây cao su đang thu hoạch cũng bị nông dân chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác.
Chọn cách làm dễ, sẽ còn trả giá
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hơn một lần nữa nhận định: "Một số sản phẩm xuất khẩu của VN xuất sang TQ chiếm tỉ trọng rất cao như gạo, cao su, trái cây lại bị phụ thuộc vào thị trường mua của họ.
"Đã đành họ cũng cần ăn của VN nhưng mỗi khi họ có gây sức ép thì VN lại lãnh đủ. Gạo là một ví dụ. Đó là do chúng ta để tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường mà kinh nghiệm thế giới cho thấy việc xuất khẩu lại đang bị phụ thuộc vào nước mua chứ không phải do người bán", bà Lan nói.
Theo bà Lan, cơ cấu thương mại của VN ít thay đổi, tụt hậu so với các nước khác, không có vị thế trên thị trường, nên bị lệ thuộc sâu hơn.
"Nguyên nhân là do lỗi của chúng ta, không chịu thay đổi cứ hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê. Với các sản phẩm sản xuất được thì chỉ nghĩ đến chuyện bán thô, xin ưu đãi này nọ, thay vì ứng dụng công nghệ để chế biến tham gia vào những thị trường khó tính hơn", bà Lan phân tích.
Do đó bà Lan cho rằng: với cách kinh doanh của VN hiện nay chỉ làm được với TQ, vì làm với TQ dễ hơn nhiều so với những nước khác.
Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp VN chỉ chú trọng tới việc sản xuất nhanh và nhiều chứ không quan tâm tới việc sản nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng để tham gia sâu hơn, có vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị.
"Hay nói cách khác chúng ta cứ ngủ yên trong đáy của chuỗi giá trị, không muốn thức dậy để làm những khâu cao hơn. Cách làm đo chỉ phù hợp với việc làm ăn với TQ", bà Lan nói thêm.
Với cây cao su, một người từng gắn bó như Bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã nhìn ra sự việc từ trước.
Theo ông Đức thì cao su là loại cây khó tính, có tiêu chí riêng ví dụ như, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1 m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống.
"Bất cứ nước nào khi trồng cao su cũng phải tuân thủ quy luật này, nếu đi ngược quy luật tự nhiên này thì cây cao su không chết, doanh nghiệp cũng sẽ chết", Bầu Đức nói.
Việc phụ thuộc vào một thị trường ông Đức cho rằng rất rủi ro. "Họ thích thì mua không thích ép giá, kiểu gì doanh nghiệp cũng sẽ chết. Do đó, các doanh nghiệp phải tiến tới đa dạng thị trường", ông Đức nhấn mạnh.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo