Hỗ trợ doanh nghiệp

Giày dép của VN dự báo tăng thị phần tại Mỹ

Hiện xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ đang tăng cao, dự báo chiếm thị phần ngày càng lớn tại thị trường này, trong khi giày dép từ Trung Quốc vào Mỹ đang giảm dần.

Ảnh TL SGT.

 Tại Hội nghị về nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà máy giày dép do Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức hôm 10-11 tại TPHCM, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ và phân phối giày dép của Mỹ (FDRA), cho biết từ đầu năm đến nay xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ tăng khoảng 16,5%.

Trong khi đó, nhập khẩu giày dép chung của Mỹ từ đầu năm đến nay chỉ tăng 1,6%, tức gần như đi ngang. Và xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc sang Mỹ lại giảm 4,4%.

Cùng với Việt Nam, xuất khẩu giày dép của nhiều nước khác như Ấn Độ, Campuchia, Ethiopia,… sang Mỹ cũng đang tăng cao.

Ông Matt Priest cho biết FDRA dự báo thị phần giày dép của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng từ mức 10% trong năm 2013 lên 12% vào năm 2018. Vị chủ tịch này cho biết, mức dự báo này được đưa ra chưa tính đến tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có 12 nước, trong đó có Mỹ và Việt Nam, tham gia đàm phán. Từ năm 2001 đến nay, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng từ 20-21%/năm.

Vào năm 2013, với dân số trên 318 triệu người, Mỹ nhập khẩu trên 2,3 tỉ đôi giày (tức trung bình mỗi người Mỹ mua trên 7 đôi giày). Thuế nhập khẩu từ giày dép vào Mỹ đạt trên 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Tính theo nguồn gốc xuất xứ, giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 80%, từ Việt Nam chiếm 10%, 4% từ Indonesia, tiếp đến là Ý 0,8%, Ấn Độ 0,7%, Brazil, Thái Lan, Campuchia,….

Việc tăng thị phần này có lẽ phần nào nhờ sự dịch chuyển sản xuất của không ít công ty giày, và đơn hàng của các nhà bán lẻ, sỉ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ông Oliver Ng, Giám đốc kinh doanh của Công ty Ever Rite International tại Đài Loan cho biết, từ tháng 9-2013, công ty sản xuất giày này đã hoàn tất việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện Việt Nam là nơi sản xuất 100% sản phẩm của công ty. Theo ông Oliver Ng, không chỉ riêng ông mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang có sự dịch chuyển này, khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng cao, liên quan đến chi phí lao động, tỷ giá… Ngoài ra, lực lượng lao động Trung Quốc đang già đi và ngày càng ít người muốn làm trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.

Theo ông Scott Thomas từ Công ty Wolverine Worldwide (Mỹ), vào năm 2007 Trung Quốc cung ứng 81,7% giày dép cho hãng này, và từ Việt Nam là 10%, nhưng hiện tỷ lệ này giảm xuống còn lần lượt là 75% và 14,5%. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ từ Trung Quốc sẽ chỉ còn 33% và từ Việt Nam là 35%.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso, trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu giày dép và túi xách đạt kim ngạch khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, do đó mục tiêu 12 tỉ đô la Mỹ cho cả năm nay có thể đạt được. Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng doanh nghiệp trong ngành nên quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, nếu chỉ chạy theo tốc độ tăng trưởng hàng năm, doanh nghiệp dễ bị rơi vào bẫy dịch chuyển sản xuất của dòng hàng cấp thấp.

“Đây là cơ hội để doanh nghiệp xem xét lại. Với năng lực hiện có thì doanh nghiệp không thể mở rộng mãi theo chiều rộng, mà phải nâng cao chất lượng”, ông Kiệt nói với báo chí bên lề hội nghị.

 Xuất xứ giày dép trong TPP

Ông Matt Priest của FDRA, cho biết, nếu TPP được ký kết vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 thì phải đến năm 2016 hiệp định này mới có thể có hiệu lực. Khi ấy, có thể đa số giày dép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ được bỏ thuế ngay. Tuy nhiên, cũng có thể có những chủng loại giày dép thuộc dòng nhạy cảm, phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất xứ. Nhìn chung, giày dép là một trong những vấn đề nhạy cảm và chưa được giải quyết trong TPP.

Tuy nhiên, với các hiệp định song phương và đa phương mà Mỹ đã có với một số nước từ trước tới nay, đa số giày dép được hưởng chế độ miễn thuế ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực. Chỉ có từ 17-19 chủng loại giày “nhạy cảm” có thời gian giảm thuế dài hơn và quản lý chặt hơn về xuất xứ, như giày da bảo hộ, giày bốt.

Giày dép muốn hưởng ưu đãi thuế vào Mỹ phải đáp ứng yêu cầu lắp ráp tại chỗ; chẳng hạn như, với hiệp định Mỹ - Hàn Quốc, thì giày dép phải sản xuất tại Hàn Quốc mới được hưởng ưu đãi thuế quan khi vào Mỹ.

Ngoài ra, với 17-19% chủng loại nhạy cảm, để hưởng ưu đãi thuế quan, mặt hàng này phải có 55% hàm lượng giá trị khu vực (tức từ các nước tham gia hiệp định), cùng với việc sản xuất mũ giày tại chỗ.


 

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo