Google sẽ hợp tác với Tencent và quay trở lại Trung Quốc?
Google đang thương thảo với Tencent, Inspur Group và một số công ty Trung Quốc khác để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Google tại đây, theo một số nguồn thạo tin giấu tên.
Các cuộc thương thảo bắt đầu vào đầu năm 2018 và cuối tháng 3 Google đã thu hẹp các đối tác tiềm tàng còn 3 công ty. Nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã phủ bóng mờ lên các cố gắng này. Hiện không rõ kế hoạch có được tiếp tục triển khai hay không, một nguồn tin cho biết.
Mục tiêu của kế hoạch này là các ứng dụng Internet của Google, ví dụ như Drives hoặc Docs, sẽ hoạt động thông qua các trung tâm dữ liệu và máy chủ nội địa do Trung Quốc vận hành, tương tự như những gì mà các công ty điện toán đám mây khác của Mỹ phải làm để có thể tiếp cận thị trường này. Trong phần lớn các nước còn lại trên thế giới, dịch vụ Google Cloud cho thuê sức mạnh tính toán và dịch vụ lưu trữ dữ liệu thông qua Internet, và bán một bộ các ứng dụng cho công sở gọi là G Suite chạy trên chính trung tâm dữ liệu của Google. Nhưng Trung Quốc lại đòi hỏi dữ liệu kĩ thuật số phải được lưu trữ trong nước và Google lại không có trung tâm dữ liệu nào tại đây, do đó Google phải liên kết với các công ty nội địa khác.
Tuần trước, bà Dianne Greene - Giám đốc Google Cloud đã phát biểu rằng bà muốn doanh nghiệp của mình là “một đám mây toàn cầu” nhưng từ chối bình luận về Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang tìm kiếm một giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Thượng Hải cho doanh nghiệp điện toán đám mây của mình. Trong phần mô tả công việc yêu cầu “có kinh nghiệm và kiến thức về thị trường Trung Quốc”.
Một phát ngôn viên của Google đã từ chối bình luận về vấn đề trên. Inspur và Tencent cũng không có phản ứng khi được đề nghị bình luận vào hôm thứ Sáu 3/8.
Một sự hợp tác với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent và Inspur, một công ty điện toán đám mây và cung cấp máy chủ quan trọng, sẽ đem lại những đồng minh quan trọng cho Google khi công ty này có dự tính quay lại Trung Quốc sau khi rút khỏi nước này vì các lý do về vấn đề kiểm duyệt.
Sau nhiều năm chậm rãi xây dựng lại sự hiện diện tại Trung Quốc, gần đây Google đã đẩy nhanh tốc độ. Google đang xây dựng một trung tâm dữ liệu vùng tại Hồng Kông trong năm nay và mở một trung tâm nghiên cứu trí thông minh nhân tạo tại Bắc Kinh hồi tháng 1. Cùng với các đơn vị khác của tập đoàn ABC, Google đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Các kế hoạch về việc xây dựng một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt đã xuất hiện vào đầu tuần này, làm dấy lên tranh cãi về việc liệu Google có đặt lợi nhuận lên trên nhiệm vụ “sắp xếp thông tin của thế giới và làm chúng phổ biến toàn cầu” của mình hay không.
Cuộc đua của các ông lớn
Một sự hợp tác trong điện toán đám mây của Google với các công ty Trung Quốc sẽ giúp công ty này cạnh tranh với các ông lớn khác như Amazon và Microsoft. Cuối năm 2017, Amazon đã đồng ý bán các máy chủ và các tài nguyên điện toán đám mây khác cho đối tác nội địa Công ty công nghệ Sinnet Bắc Kinh. Động thái này là để tuân thủ theo các luật được đưa ra vào năm ngoái quy định bắt buộc dữ liệu phải được lưu trữ trong nước. Hành động này của Amazon cũng tương tự như thỏa thuận giữa Microsoft và đối tác 21Vianet Group.
Với Tencent, Google sẽ có một đồng minh còn nổi danh hơn, nhưng sẽ phải chống lại một đối thủ cạnh tranh nội địa là Alibaba, vốn cũng kinh doanh các dịch vụ điện toán đám mây trong nội địa Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường điện toán đám mây lớn thứ hai thế giới, nhưng ở nước này đang có sự thống trị của các doanh nghiệp nội địa, khiến cho các công ty nước ngoài gặp khó khăn nhiều hơn, theo Synergy Research Group. Nhà phân tích John Dinsdale của Synergy cho biết: “Bạn sẽ không bao giờ có thể từ chối một lời đề nghị, nhưng đó sẽ phải là một đề nghị đắt giá”. Một báo cáo hồi tháng 6 cho thấy Google đứng thứ tư trong thị trường điện toán đám mây tại châu Á, xếp sau Amazon, Alibaba và Micorsoft.
Đôi bên cùng có lợi
Hồi tháng 1, Google đã có một thỏa thuận chia sẻ bản quyền với Tencent. Thỏa thuận này cho phép 2 công ty hợp tác để phát triển các công nghệ trong tương lai.
Tencent đang điều hành một dịch vụ điện toán đám mây của riêng mình và đang xây dựng một hệ thống đối tác bao gồm Cisco, Nvidia và Deloitte. Dịch vụ điện toán đám mây của Tencent có tên là Tencent Kubernetes Engine, đặt theo tên của một công nghệ phổ biến của Google. Google có thể đặt các dịch vụ như Gmail, Drive và Docs trên trung tâm dữ liệu của Tencent và công ty này có thể giới thiệu cho các khách hàng sẵn có của mình về các dịch vụ của Google.
Nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng là một đại biểu quốc hội Trung Quốc, còn Inspur, tiền thân là công ty nhà nước Nhà máy thiết bị điện tử Sơn Đông. Cả hai có thể cung cấp sự bảo đảm về chính trị cho Google để công ty này có được sự chấp thuận của chính quyền cho phép Google hoạt động trong các lĩnh vực lớn hơn tại Trung Quốc.
Google cũng đã quảng cáo về sự an toàn và sức mạnh trí tuệ nhân tạo của dịch vụ điện toán đám mây của mình. Tensorflow, một thư viện lập trình trí tuệ nhân tạo của Google cũng đang bắt đầu phổ biến trong giới nghiên cứu và phát triển phần mềm Trung Quốc. Tuy các chức năng có thể tương thích với các dịch vụ điện toán đám mây khác, nhưng nó được thiết kế để hoạt động tốt nhất với dịch vụ điện toán đám mây của Google.
End of content
Không có tin nào tiếp theo