Hỗ trợ doanh nghiệp

Hạ lãi suất, doanh nghiệp nào sẽ giảm mạnh lợi nhuận?

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có nguồn thu lớn từ gửi tiết kiệm sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạ lãi suất này.
CTCP Xây dựng Cotec (CTD)
 
CTD là một DN ngành xây dựng, bất động sản, lãi suất hạ là điều kiện tốt để Công ty có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, với đặc thù một phần rất lớn tài sản hiện nay đang là tiền gửi ngân hàng, trong ngắn hạn, CTD sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về nguồn thu.
 
Báo cáo tài chính quý I/2013 của CTD cho thấy, trong cơ cấu tổng tài sản hơn 3.606 tỷ đồng thời điểm 31/3/2013, Công ty có 630,5 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng, 560 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng. Như vậy, tổng số dư tiền gửi ngân hàng của CTD lên tới 1.190 tỷ đồng trên tổng vốn chủ sở hữu 2.080,7 tỷ đồng, mang lại 23,346 tỷ đồng tiền lãi trong quý I/2013. Số tiền lãi này chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập trước thuế trong kỳ của Công ty là 64,494 tỷ đồng.
 
Rõ ràng, với đặc thù trên, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng được điều chỉnh giảm sẽ là yếu tố làm giảm thu nhập của CTD từ việc gửi tiền. Ở chiều ngược lại, đây có thể là động lực giúp Công ty phát triển hoạt động kinh doanh chính, nếu ngành xây dựng, bất động sản “ấm” trở lại.
 
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC)
 
Quý I/2013, PPC ghi nhận một kỳ tích, khi đạt 1.012 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 944 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. NĐT dường như chỉ chú ý đến yếu tố hoàn nhập dự phòng chênh lệch tỷ giá từ khoản vay đồng Yên của Công ty (một yếu tố không thường xuyên), mà quên mất một yếu tố rất quan trọng, đóng góp thường xuyên vào thu nhập của PPC, đó là lãi hoạt động tài chính, chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm, tiền ủy thác.
 
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013 của PPC cho thấy, tại thời điểm cuối quý I/2013, Công ty có gần 1.165 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn không quá 3 tháng, hơn 2.950 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng, ủy thác đầu tư ngắn hạn và tiền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động từ Công ty. So với cùng kỳ năm 2012, số dư tiền gửi tiết kiệm, tiền ủy thác đầu tư… của PPC năm nay tăng mạnh (thời điểm 31/3/2012 là 696,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và 2.871 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng, ủy thác tín dụng…).
 
Trong năm 2012, tổng thu nhập từ các loại tiền nhàn rỗi của PPC lên tới 477 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 464 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thu nhập từ các khoản tiền gửi của PPC có vai trò lớn trong cơ cấu lợi nhuận thường xuyên của Công ty. Năm 2013, bức tranh này có thể sẽ thay đổi. Quý I/2012, Công ty thu 122 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay, nhưng quý I/2013, con số này chỉ còn 103,6 tỷ đồng, tương đương mức sụt giảm hơn 15%. Vì thế, ước tổng thu nhập của PPC từ nguồn lãi cho vay năm 2013 có thể giảm khoảng 60 tỷ đồng.
 
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM)
 
Cuối quý I/2013, Vinamilk có 1.633 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng, 3.027 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm, 350 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. So với quý I/2012 là 2.983 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng trở xuống, 350 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm, 600 tỷ đồng tiền đầu tư trái phiếu, số dư tiền gửi của Vinamilk trong quý I/2013 đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập từ các khoản này lại giảm từ mức 107,7 tỷ đồng trong quý I/2012 xuống 66,8 tỷ đồng (giảm gần 41 tỷ đồng) trong quý I năm nay.
 
So sánh với tổng lợi nhuận trước thuế 1.868 tỷ đồng, sụt giảm lợi nhuận từ nguồn tiền nhàn rỗi của Vinamilk có vẻ không khiến NĐT phải suy nghĩ nhiều, nhưng mức giảm gần 41 tỷ đồng trong quý I vừa qua cũng không phải là con số nhỏ.
 
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS)
 
15.955 tỷ đồng là số dư tiền và tương đương tiền của Tổng công ty Khí Việt Nam tại thời điểm 31/3/2013, trong đó 2.450 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng, 13.480 tỷ đồng tiền gửi tổ chức tín dụng, ủy thác quản lý vốn kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài các khoản này, GAS có thêm 55,8 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 3 - 12 tháng. Với quy mô này, GAS thu tới 1.077 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2012, hơn 257 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý I/2013.
 
Giống như Vinamilk, thu nhập từ khoản tiền gửi này của GAS không thấm vào đâu trong tổng số 12.350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2012, 5.383 tỷ đồng lợi nhuận quý I/2013, nhưng giả sử lãi suất tiền vay sụt giảm 1 điểm phần trăm, số tiền mà Tổng công ty mất đi trong 1 năm cũng lên tới 100 tỷ đồng.
 
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM)
 
Quý I/2013, DPM có hơn 5.808 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có 5.520 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng. Với quy mô tiền gửi lớn như vậy, khi lãi suất huy động vốn trong hệ thống ngân hàng sụt giảm, DPM cũng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều về lợi nhuận (số tuyệt đối).
 
Quý I/2012, DPM có 5.604 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có 5.276 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng, mang lại cho Tổng công ty 134 tỷ đồng tiền thu lãi vay. Quý I năm nay, số tiền gửi tăng lên, nhưng DPM chỉ thu được 72,6 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay, tức giảm 61,4 tỷ đồng, tỷ lệ sụt giảm tới 45,85%.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo ĐTCK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo