Hỗ trợ doanh nghiệp

Hai hãng bay “tranh nhau” nhà ga

Vietnam Airlines và VietJet Air đều muốn sở hữu khai thác thương mại toàn bộ nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Nhà ga T1 sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) vừa đề xuất mua nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trước đó, hãng hàng không tư nhân VietJet Air (VJA) cũng đề xuất nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga này trong thời hạn 20 năm.

 
Với tốc độ phát triển hai con số trong nhiều năm qua, theo các chuyên gia, chủ trương dùng hạ tầng để đổi vốn tiếp tục đầu tư hạ tầng của ngành hàng không VN chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
Mua đứt bán đoạn
 
Theo CAA, trong tháng 2, vận chuyển hành khách đạt hơn 3 triệu khách, tăng 10,7%, vận chuyển hàng hóa đạt 66.000 tấn, tăng 22,5%.
 
Tính riêng các hãng hàng không VN, trong tháng 2 sản lượng khách vận chuyển đạt 2,3 triệu khách, tăng 17,6%, vận chuyển hàng hóa đạt 17.600 tấn, tăng 14,8%.
 
Văn bản do chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh ký ngày 26-2 gửi Bộ GTVT có đóng dấu “khẩn” đề xuất được mua nhà ga hành khách T1 - cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho rằng:
 
“Tại nhiều nước trên thế giới, hiện rất phổ biến việc các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ để phục vụ riêng các chuyến bay, hành khách của mình.
 
Hình thức này phù hợp với chủ trương xã hội hóa cơ sở hạ tầng sân bay của Bộ GTVT.
 
Vietnam Airlines đề nghị Bộ GTVT cho phép được mua toàn bộ nhà ga quốc nội T1 tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay quốc nội của tổng công ty đi/đến sân bay Nội Bài”.
 
Vẫn theo văn bản này, Vietnam Airlines cho rằng cách thức này sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng, tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
 
Linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong nhà ga để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện trong khai thác.
 
Tổng công ty này cho biết sẽ quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
 
Khác với đề xuất nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm của VietJet Air, Vietnam Airlines đề xuất mua trực tiếp theo quy định định giá hiện hành chứ không đề nghị chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn.
 
Vietnam Airlines cho biết sẽ huy động vốn của tổng công ty, các doanh nghiệp có vốn góp và vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Viết Thanh khẳng định “nhu cầu cần sở hữu một nhà ga như T1 cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của Vietnam Airlines là có và cần thiết”.
 
Ông cũng cho biết Vietnam Airlines đã dự đoán mức giá có thể của nhà ga T1 nhưng không thể tiết lộ mức giá bởi việc định giá nhà ga này, nếu có bán cho Vietnam Airlines, sẽ còn phải qua các quy trình định giá phức tạp.
 
 Hành khách làm thủ tục bay trong quầy thủ tục của hãng hàng không quốc gia VN Vietnam Airlines tại nhà ga hành khách T1 sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
 
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Hàng không VN (CAA) Lại Xuân Thanh cho biết nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tỏ ý quan tâm đến việc tham gia đầu tư, kinh doanh nhà ga sân bay, cảng hàng không quốc tế.
 
Thậm chí, là đầu tư mới cảng hàng không sau thông tin Bộ GTVT chỉ đạo bán toàn bộ cảng hàng không Phú Quốc ngay trong năm 2015; chuyển nhượng quyền khai thác một phần cảng hàng không Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng để lấy vốn xây dựng các sân bay mới, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 
Theo ông Thanh, từng có nhà đầu tư Mỹ ngỏ ý xin được đầu tư vào nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh nhưng do có yếu tố nước ngoài nên đề xuất này chưa được xem xét. Tuy nhiên đến nay chỉ mới có VJA và Vietnam Airlines thể hiện sự quan tâm bằng văn bản.
 
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và CAA đang xây dựng đề án nhượng quyền kinh doanh, mua bán nhà ga sân bay, xây dựng danh mục đầu tư mới trong toàn bộ hệ thống 26 cảng hàng không mà ACV đã đầu tư, quản lý để gửi Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng xem xét cho ý kiến rồi mới làm việc cụ thể với hai nhà đầu tư này.
 
Ngoài ra, danh mục mà CAA và ACV đề xuất cũng sẽ được công bố với nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, để họ tham khảo và lên kế hoạch tham gia quá trình đầu tư.
 
Danh mục này sẽ phải hoàn tất sớm trong tháng 3-2015 trình Bộ GTVT để cơ quan này xin ý kiến Chính phủ trước khi công bố.
 
Theo ông Thanh, trong đề án cho phép nhà đầu tư tham gia kinh doanh nhượng quyền hay mua đứt tài sản cảng hàng không, sân bay cũng sẽ đề cập rất rõ ràng việc quản lý giá, phí và quy hoạch phát triển sao cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội nơi cảng hàng không sân bay đang hoạt động.
 
CAA cũng đã kiến nghị định hướng điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không VN cho phù hợp tình hình mới.
 
Theo đó, sẽ chia các cảng hàng không thành hai loại: cấp 1 là các cảng hàng không lớn giữ vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh, Nà Sản), các cảng hàng không còn lại là cảng hàng không cấp 2.
 
Trong đó, những cảng hàng không cấp 1 đã được đầu tư hoàn thiện và giữ vai trò quan trọng cũng sẽ được lên danh mục kêu gọi thêm vốn đầu tư từ bên ngoài để bổ sung công năng.
 
Chẳng hạn, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ cần được đầu tư mở rộng phát triển thêm, cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ ngay bây giờ đã phải tính đến việc tìm vốn đầu tư nhà ga T3, T4, đường cất hạ cánh thứ ba.
 
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cần mở rộng sân đậu, đường lăn... Các cảng hàng không còn lại một số có lợi thế về kinh doanh có thể xã hội hóa khai thác thông qua cổ phần hóa hoặc giao cho các nhà đầu tư khai thác.
 
Việc phân loại này sẽ khoanh vùng được khu vực nào có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân theo hướng nhượng quyền khai thác các cảng hàng không hoặc bán tài sản để lấy vốn tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hàng không.
 
“Đã bắt đầu có tín hiệu rất mạnh mẽ và rõ rệt của xã hội trong việc xã hội hóa đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng hàng không. Các nhà đầu tư thuộc mọi hình thức đều có thể tham gia quá trình này” - ông Thanh chia sẻ.
 
 

 Đồng ý nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân


Chiều 2-3, trả lời câu hỏi về chủ trương bán quyền khai thác một số sân bay cho tư nhân như sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 sân bay Nội Bài, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói vấn đề cụ thể thì trước mắt chưa báo cáo với Chính phủ.


Tuy nhiên Chính phủ thống nhất quan điểm này.


“Chúng ta hiểu rằng khi thực hiện các bước này không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà đưa ra những kế hoạch, tiêu chí để quản lý, thực hiện phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường nhưng cũng đảm bảo quản lý chặt chẽ” - ông Nên nói.


Ông Trần Du Lịch (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội):

 

Cần tạo môi trường bình đẳng cho các hãng hàng không


Một hãng hàng không thuê dài hạn nhà ga thay vì trả tiền từng chuyến là phù hợp nhưng nếu hãng hàng không nào đó dùng nhà ga để kinh doanh dịch vụ nhà ga như một công ty khai thác kinh doanh dịch vụ nhà ga là không phù hợp, cần phải xem xét.


Nhà ga sân bay hiện được xem như một hình thức kinh doanh dịch vụ công cộng, cần phải tạo môi trường bình đẳng để các hãng hàng không khác có thể cùng sử dụng dịch vụ ở đây.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo