Hỗ trợ doanh nghiệp

Hàng xuất khẩu Việt Nam, có tiềm năng nhưng chưa đủ lực

Là quốc gia có tên tuổi trong bản đồ xuất khẩu thế giới như càphê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra, dệt may..., nhưng xuất khẩu sao cho hiệu quả vẫn là bài toán khó với Việt Nam.

Thu hoạch và chế biến theo phương thức thủ công đã làm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam giá trị rất thấp. ảnh: Thùy Linh

Tại hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức (30.7), các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những tồn tại khiến xuất khẩu của Việt Nam chưa chất lượng, hiệu quả.

Chất lượng sản phẩm vẫn... bị chê
 
Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia, càphê, caosu, tôm, cá tra, các sản phẩm dệt may... vẫn là những mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng cao, tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc xuất khẩu đạt hiệu quả. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia kinh tế là do chất lượng sản phẩm còn thấp.
 
Chất lượng càphê thấp do trang thiết bị chế biến, sấy khô nghèo nàn, công nghệ thu hoạch lạc hậu. Theo Bộ NNPTNT, 90% số sản phẩm càphê vẫn là sản phẩm thô, vì vậy, càphê Việt Nam chỉ chào bán được ở mức giá thấp hơn so với mức giá trung bình của thế giới.
 
 
 Thu hoạch và chế biến theo phương thức thủ công đã làm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam giá trị rất thấp. ảnh: Thùy Linh
Cá ngừ đại dương cũng là một sản phẩm hải sản có giá trị kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đội tàu đánh bắt cá ngừ nhỏ, công nghệ bảo quản lạc hậu, làm giảm giá trị.
 
Phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng như hiện nay thực hiện chưa tốt, dễ làm suy kiệt nguồn cá và làm giảm chất lượng cá, về dài hạn sẽ khiến nguồn nguyên liệu không bảo đảm.
 
Ngành da giày cũng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch lớn thứ ba sau điện tử và dệt may, kim ngạch năm 2013 đạt 10,3 tỉ USD, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động.
 
Nhưng, do hạn chế về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, tay nghề kỹ thuật và phụ thuộc về mẫu mã và nguyên phụ liệu nhập khẩu nên vị thế của các doanh nghiệp (DN) da giày bị hạn chế.
 
Bên cạnh đó, các sản phẩm từ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, hay mây tre... cũng chưa thực sự xuất khẩu mạnh do mẫu mã thiếu đa dạng, không hấp dẫn người tiêu dùng.
 
Tương tự, dịch vụ du lịch cũng bị đánh giá là kém, khiến cho mức chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam thấp – 105USD/ngày và lượng khách quay lại cũng không cao. Dịch vụ xuất khẩu lao động cũng chỉ mới đáp ứng được các nghề lao động đơn giản...
 
Người Việt chưa biết tự quảng bá?
 
Theo tư vấn trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu Nguyễn Thu Hằng, thiếu thông tin thị trường là vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến việc tiếp thị sản phẩm. Có sự khập khiễng giữa nhu cầu về thông tin của DN và khả năng hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng.
 
Các DN do không được trang bị tốt các kỹ năng để nghiên cứu, tìm kiếm thị trường. Kiến thức về thị trường nước ngoài và năng lực tham gia thương mại quốc tế các DN nhỏ và vừa tương đối kém.
 
Cả miền Trung chỉ có khoảng 10 DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có khả năng xuất khẩu trực tiếp, còn lại đều làm vệ tinh cho các DN xuất khẩu lớn ở Hà Nội và TPHCM. Các DN cũng chưa ứng dụng quảng cáo, tiếp thị được qua các công cụ mạng xã hội như Twitter, Facebook,... nên khó thu hút được khách hàng trực tiếp...
 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo