Hỗ trợ doanh nghiệp

Hãy nhanh chóng chấm dứt vụ kiện Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên

Không bỏ tiền đầu tư, không bỏ công sức, chỉ là người đi làm thuê, đồng tiền đã làm cho những người bà con sẵn sàng bỏ công sức đi kiện Chủ doanh nghiệp một cách vô căn cứ. Phải chăng có người giúp sức cho họ?

 


Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã hai lần xét xử vụ án dân sự ông Trần Xuân Lập xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An kiện ông Lê Duy Nguyên, chủ “Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên” chiếm đất rừng của ông. Mặc dù Tòa đã có kết luận rõ ràng và  dự luận phê phán gay gắt, nhưng ông Trần Xuân Lập và ông Trần Xuân Nam (con trai ông Lập) vẫn theo kiện giai dẳng...    

Người trồng rừng chân chính
 
            
Năm 1993 khi đang công tác tại Trường THPT Phan Bội Châu, ông Lê Duy Nguyên xin giao đất đồi hoang, bãi hoang trồng rừng ven biển Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vì đang là công chức Nhà nước, vướng víu những thủ tục hành chính, ông Lê Duy Nguyên “Đành phải lách cơ chế ”, mượn tên những người anh em cùng xã đứng tên trong lâm bạ giao đất trồng rừng cho mình. Đó là ông anh rể Trần Xuân Lập và Trần Xuân Nam - cháu gọi ông Nguyên là cậu ruột (con trai ông Trần Xuân Lập) và ông Trần Xuân Ngoạn để nhận diện tích 161,5 héc ta đất được giao quyền sử dụng theo mục đích trồng rừng. Ba cuốn Lâm bạ mặc dù mang tên ba người nói trên nhưng đều do ông Lê Duy Nguyên ký và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tài chính, giao nhận đất trên thực địa...
 
 
doanh-nghiep-hoi-nhap-leduynguyen
 
 
Đường vào khu kinh tế Đông Hồi đi qua khu rừng trồng của Doanh nghiệp Lê Duy Nguyên
 
 
 
Ngoài các cuốn Lâm bạ mang tên người khác, các văn bản hồ sơ giao diện tích đất của cơ quan có thẩm quyền đều mang tên ông Lê Duy Nguyên. Sự vênh nhau này là điều dễ hiểu. Một thực tế khác không thể phủ nhận là vốn đầu tư, tổ chức trồng và chăm sóc rừng đều do ông Lê Duy Nguyên thực hiện. Không chỉ phần diện tích 161,5 ha ấy, mà vài năm sau đó, ông Lê Duy Nguyên nghỉ hưu lập Doanh nghiệp trồng rừng chuyên tâm vào việc trồng rừng. Nhận thấy ông Nguyên là người chuyên tâm cho việc trồng rừng, UBND tỉnh Nghệ An còn giao tiếp cho ông Nguyên gần 800 ha nữa, đưa tổng diện tích lên gần 1000 ha. Lê Duy Nguyên trở thành người trổng rừng nổi tiếng của Nghệ An, được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, Huân chương lao động. Cá nhân ông Lê Duy Nguyên còn được giới thiệu và đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa 9. Gần 1.000 ha đất cằn sỏi đá và đồi núi dưới công sức của ông sau gần 20 năm phủ màu xanh bạt ngàn rừng trồng, góp phần phòng hộ ven biển Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa.
 
 
doanh-nghiep-hoi-nhap-leduynguyen
 
 
Cảng Nghi Sơn nhìn từ Đông Hồi
    
Nguyên đơn và Luật sư không đủ chứng lý trước Tòa
 
 
Rắc rối bắt đầu từ năm 2009, khi Nghệ An quy hoạch và đầu tư Khu Kinh tế Đông Hồi. Theo đó một phần diện tích 161 ha rừng trồng mà lâm bạ mang tên ông Trần Xuân Nam và ông Trần Xuân Lập nằm vào khu quy hoạch phải giải tỏa đền bù. Tình anh em, cậu cháu và thực tế không thể phủ nhận bị đảo ngược, ông Trần Xuân Nam và ông Trần Xuân Lập đã đứng đơn kiện ông Lê Duy Nguyên.
 
 
Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Xuân Lập và luật sư biện hộ đã không đưa ra được chứng lý chứng minh ông được cấp có thẩm quyền giao đất lâm nghiệp trên thực tế kể từ năm 1993 tới năm 2009. Bởi vậy, TAND Quỳnh Lưu đã kết luận: ông Trần Xuân Lập trên thực tế không có đất được cơ quan chức năng giao thực hiện mục đích trồng rừng như nội dung khởi kiện. Chứng cứ của ông Trần Xuân Nam đại diện cho ông Trần Xuân Lập tại phiên tòa ngày 26 tháng 3 năm 2012 là các Lâm bạ mà theo chúng tôi tìm hiểu chính là Lâm bạ duy nhất được lưu tại Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu, nay phòng Tài nguyên môi trường Quỳnh Lưu quản lý. Xin nhắc lại đó chỉ là những cuốn Lâm bạ ông Lê Duy Nguyên nhờ đứng tên, còn trên thực tế ông Lê Duy Nguyên mới là chủ thể của số diện tích đất được giao.
 
 
 
Để kiểm tra ông Trần Xuân Lập, ông Trần Xuân Nam có được giao đất  từ tháng 1 năm 1993 hay không và ông Lê Duy Nguyên có là đối tượng đích thực được giao đất trên thực tế không, chúng tôi đã xem bản gốc “Biên bản bàn giao hồ sơ lâm bạ và thực địa đất trồng rừng” ngày 21 tháng 1 năm 1993. Theo đó thì chỉ thấy ghi bên giao là ông Trần Xuân Mỹ, đại diện Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu,  bên nhận duy nhất chỉ có tên ông Lê Duy Nguyên. Biên bản bàn giao do chính ông Trần Xuân Ngoạn thảo, ký tên cùng các ông Trần Sỹ Mỹ, Lê Duy Nguyên, được UBND xã Quỳnh Lập xác nhận với con dấu, chữ ký chủ tịch xã Lê Thanh Tùng. Ngày 26 tháng 1 năm 1993, ông Dương Văn Thước, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu ký vào biên bản với nội dung: “Đề nghị chủ hộ Lê Duy Nguyên có kế hoạch chuẩn bị giống và triển khai trồng rừng sớm, kịp thời vụ”. Theo điều tra của chúng tôi, tháng 1 năm 1993, UBND huyện Quỳnh Lưu không ký hợp đồng giao khoán 36 héc ta đất cho ông Trần Xuân Lập. Trên thực tế từ năm 1993 đến nay cũng không có cấp nào giao cho 4 gia đình (ông Lập, ông Ngoạn, ông Nam, ông Nguyên) cùng nhau trồng rừng phát triển kinh tế như ông Lập, ông Nam khiếu kiện.

Những chứng lý không thể phủ định
 
 
Nhiều nhân chứng và chính quyền địa phương cho biết, ông Trần Xuân Lập chỉ là lao động trồng rừng cho doanh nghiệp Lê Duy Nguyên. Từ năm 1993 cho đến trước tháng 8 năm 2009 ông Lập cũng không có khiếu kiện gì về việc ông Lê Duy Nguyên nhờ đứng tên trong lâm bạ giao đất. Thế mà đến ngày 8 tháng 9 năm 2009 có dư luận vùng rừng trồng Đông Hồi sắp trở thành khu kinh tế trọng điểm, ông Lập mới vội vã viết đơn khiếu kiện ông Lê Duy Nguyên chiếm đất của ông. Chưa dừng lại, ngày 7 tháng 12 năm 2009, ông Lập khởi kiện Doanh nghiệp Lê Duy Nguyên tới tòa án Quỳnh Lưu. Ngày 26 tháng 7 năm 2011 UBND xã Quỳnh Lập có văn bản gửi tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu do Phó chủ tịch Lê Bá Vân ký, đóng dấu có nội dung xác nhận: “Sau khi có đơn của ông Trần Xuân Lập, thường trú tại xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập và anh Trần Xuân Nam, thường trú tại khối 1 xã Quỳnh Thiện kiện ông Lê Duy Nguyên chiếm đất rừng. UBND xã Quỳnh Lập đã cho kiểm tra toàn bộ hồ sơ đất lâm nghiệp trên địa bàn của xã, bao gồm: sổ mục kê, tờ bản đồ kết quả giao đất nông nghiệp năm 1998, tờ bản đồ số 1 (10 - 136602 + 136608 + 130602)... Tất cả đều thể hiện đất ông Lê Duy Nguyên. Không có vùng nào, kể cả Hòn Dề và Vùng Vễ (nơi đang kiện bị chiếm P/V) thể hiện tên ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam. Trên thực địa, kể từ năm 1993 đến nay, ở khu vực hai xóm: Đồng Minh và Đồng Thanh xã Quỳnh Lập cũng không có vùng đất nào thuộc ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam quản lý, sử dụng trồng rừng”. 
 
 
 
Để làm rõ nội dung ông Trần Xuân Lập, Trần Xuân Nam tố cáo ông Lê Duy Nguyên làm giả chữ ký ông Trần Xuân Lập tại biên bản bàn giao lâm bạ đất ngày 21 tháng 1 năm 1993, chúng tôi đã kiểm tra bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, ngày 18 tháng 3 năm 2011 theo trưng cầu giám định số 05/QĐ – TCGĐ ngày 6 tháng 1 năm 2011 của TAND huyện Quỳnh Lưu, đối chiếu với biên bản gốc lập ngày 21 tháng 1 năm 1993 thì không thấy có tên và chữ ký nhận bàn giao của ông Trần Xuân Lập. 
 
 
 
Ngày 5 tháng 9 năm 1996, đại diện Sở địa chính Nghệ An (Sau này là Sở Tài nguyên – Môi trường), Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Lập, Xóm Đồng Minh, Đồn Biên Phòng, Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên đã thực hiện việc xác định vị trí mốc giới, đóng mốc giới vùng diện tích 981 ha thuộc quyền sử dụng lâu dài của doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Thời điểm này ông Trần Xuân Lập là lao động của doanh nghiệp cũng không có ý kiến gì khác về quyền sử dụng đất được giao cho ông Lê Duy Nguyên.
 
 
 
Lại nữa, trong biên bản hòa giải khiếu kiện, lập tại UBND xã Quỳnh Lập ngày 23 tháng 10 năm 2009, ông Trần Xuân Lập thừa nhận “…Từ ngày thành lập doanh nghiệp cho tới nay thì việc trồng cây là do ông Nguyên trồng, thuê công nhân trồng, trả tiền công hàng ngày cho công nhân”. Ngay con trai ông là Trần xuân Nam cũng thừa nhận: “Việc làm hồ sơ cấp lâm bạ cho tôi (Trần Xuân Nam) là do ông Lê Duy Nguyên làm, còn tôi không biết, đồng thời tôi cũng không ký vào hồ sơ mà do ông Nguyên ký”.
 
 
 
Năm 1994, ông Lê Duy Nguyên xin nghỉ hưu để dành tâm sức, tập trung, đầu tư phát triển trồng rừng trên diện tích được giao. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế - môi trường ưu việt, có hiệu quả, UBND tỉnh Nghệ An đã có các quyết định số 304, ngày 29/12/1994 do Phó chủ tịch ông Hồ Xuân Hùng ký đồng ý cho triển khai dự án: “Phát triển lâm – nông – ngư Đông Hồi” của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên. 
 
 
 
Năm 2000, UBND tỉnh Nghệ An lại phê duyệt cho doanh nghiệp Lê Duy Nguyên triển khai dự án “Trồng rừng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, phục hồi sinh thái”, theo quyết định số 4207, ban hành ngày 29/12/2000, do Phó chủ tịch Nguyễn Thế Trung ký. Rồi ngày 25 tháng 12 ngăm 2008, UBND tỉnh ban hành quyết định số 5873, do phó Chủ tich Nguyễn Đình Chi ký cho phép doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên thực hiện tiếp dự án “Trồng rừng, xây dựng lâm viên, phát triển khu du lịch sinh thái Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu”. Với tổng diện tích đất hơn 1000 héc ta bao gồm cả số diện tích mà hiện nay ông Nguyễn Xuân Lập và Nguyễn Xuân Nam tranh chấp. Ông Lê Duy Nguyên đầu tư hàng tỷ đồng trồng cây, chăm sóc gần 20 năm, góp phần tạo lập rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu cải thiện môi trường sinh thái vùng bắc Quỳnh Lưu và nam Thanh Hóa. 
 
 
doanh-nghiep-hoi-nhap-leduynguyen
 
 
Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã Quỳnh lập khẳng định việc khiếu kiện là sai

Giải pháp nào để chấm dứt vụ kiện (?!)
 
 
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, pháp luật ở Nghệ An cần có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện từ năm 2009 đến nay mà nội dung khiếu kiện không đủ yếu tố pháp lý nếu không muốn nói là “khiếu kiện bôi nhọ” một doanh nghiệp trồng rừng chân chính. UBND huyện Quỳnh Lưu, công an huyện Quỳnh Lưu, phòng Tài nguyên môi trường Quỳnh Lưu cần vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vì sao ông Trần Xuân Nam lại có trong tay Lâm bạ giao đất cùng nội dung như Lâm bạ năm 1993 đã giao cho ông Lê Duy Nguyên để ông Lập, ông Nam đeo đuổi vụ kiện phi thực tế và phi đạo lý, nhưng khi được hỏi cơ quan nào giao lâm bạ, giao vào thời gian nào, ai giao, có biên bản bàn giao lâm bạ không thì ông Nam trả lời “ trước mắt tôi trả lời đến đó”.
 
 
Tòa án các cấp ở Nghệ An cũng không nên kéo dài trình tự thụ lý xét xử với một nguyên đơn đưa ra chứng lý bất hợp pháp, vô hiệu từ cái danh xưng trong lâm bạ giao đất mang tên ông Lập, ông  Nam. Giải pháp tối ưu và có tính pháp lý là UBND huyện Quỳnh Lưu cần có quyết định thu hồi ba Lâm bạ không đúng quy định, bởi đứng tên trong Lâm bạ là ông Lập, ông Nam, ông Ngoạn mà người ký nhận Lâm bạ lại là ông Lê Duy Nguyên. Và  từ năm 1993 đến nay, người chịu trách nhiệm thực hiện quyền sử dụng đất, chịu trách nhiệm hiệu quả sử dụng, bỏ vốn đầu tư phát triển, sinh lợi, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, địa phương, xã hội cũng là  ông Lê Duy Nguyên.
 
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với câu chuyện này để bảo vệ công sức lao động chính đáng của Chủ doanh nghiệp cũng như bảo vệ lẽ phải và đạo lý ở đời.

 Tô Lan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo